Minh họa: DAD |
Công ty bán buôn đồ dùng xin đào tạo ngành... khai thác mỏ
Khi tìm hiểu về các công ty xem họ có nhu cầu thực sự về nguồn nhân lực như đã liên kết với các trường ĐH hay không, PV Thanh Niên đã phát hiện nhiều điều bất ổn. Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa hiện có ngành nghề kinh doanh chính là “bán buôn đồ dùng khác cho gia đình - trừ buôn bán dược phẩm”. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa thì công ty này có trụ sở chính ở thôn 2 xã Quảng Hưng, TP Thanh Hóa. Khi PV Thanh Niên đến đây thì thấy tại địa điểm này chỉ có trường Trung cấp tư thục Bách nghệ do công ty này thành lập. Ngoài ra, khu vực xung quanh không thấy biển hiệu ghi trụ sở hoặc văn phòng của công ty.
Chúng tôi vào trường để tìm gặp ông Lê Văn Quyền - Giám đốc công ty nhưng một nhân viên cho biết ông hiện không có ở trường. Phóng viên giới thiệu là thí sinh (TS) tìm hiểu thông tin về tuyển sinh thì nhân viên này tỏ ra hết sức cảnh giác và nói có gì gặp lãnh đạo mà hỏi. Chúng tôi cũng đã cố gắng liên lạc với ông Quyền qua điện thoại di động nhưng ông đều không nghe máy. Tuy nhiên, đối chiếu với những ngành nghề kinh doanh mà công ty này đăng ký thì những ngành mà công ty đề nghị các trường đào tạo thực sự tréo ngoe. Ví dụ: trong các ngành nghề kinh doanh của công ty không thấy có ngành nào liên quan tới lọc hóa dầu, trắc địa, tự động hóa, khai thác mỏ... như công ty đề nghị ĐH Mỏ Địa chất đào tạo.
Tìm hiểu về Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội, chúng tôi cũng thấy những chuyện tương tự. Theo công bố về lĩnh vực hoạt động kinh doanh của công ty thì đơn vị này chủ yếu sản xuất và chế tạo các loại máy móc thiết bị công nghiệp. Thế nhưng công ty đã đề nghị ĐH Thương mại đào tạo những ngành chẳng liên quan như tài chính ngân hàng...
Trường ĐH không kiểm soát được
Lãnh đạo một số trường ĐH có đào tạo cho các công ty nói trên đều thừa nhận không thể kiểm soát được việc các công ty này có nhu cầu sử dụng nhân lực hay không, chỉ thấy họ đề nghị đào tạo để sử dụng thì đồng ý!
Ông Đinh Văn Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Thương mại, cho biết: “Năm nay có rất nhiều đơn vị đến trường đề nghị đào tạo nhân lực để sử dụng nhưng trường chỉ đồng ý đào tạo cho Công ty TNHH nhà nước một thành viên cơ khí Hà Nội vì thấy đây là công ty của nhà nước”. Tuy nhiên, ông Sơn thừa nhận: “Trường đã có công văn xin phép Bộ được bổ sung chỉ tiêu (CT) để đào tạo cho công ty này nhưng hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa cho phép nên trường đã thông báo lại cho công ty này rồi”. Ông Lê Trọng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Mỏ Địa chất, cũng cho hay: “Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo Thanh Hóa đến đề nghị với trường, thấy quy chế cho phép các trường được dành CT đào tạo theo địa chỉ sử dụng thì nhà trường đồng ý đào tạo. Cơ sở để tin tưởng chỉ là thấy công ty này được nhiều trường ĐH lớn cũng đồng ý đào tạo! Tuy nhiên, đến nay nhà trường chưa xét tuyển cho đối tượng nào mà mới chỉ ký thỏa thuận với công ty”.
Bộ GD-ĐT lúng túng
Năm nay, ngay từ trước khi diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhiều lần khẳng định không cấp CT đào tạo theo nhu cầu xã hội cho bất kỳ trường nào. Thế nhưng, trên thực tế rất nhiều trường đã xin được đào tạo theo địa chỉ sử dụng để biến thành các CT đào tạo thu học phí cao.
Điều 33 Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT quy định: “Các trường dành CT tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1 điểm để tuyển đủ CT được giao”. Do vậy, có rất nhiều trường áp dụng quy định này để tuyển những TS không đủ điểm trúng tuyển để đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Theo quy trình của việc đào tạo theo địa chỉ sử dụng thì danh sách TS đào tạo là do đơn vị đối tác gửi cho trường. Vì thế các công ty đã “thả cửa” chiêu sinh và thu tiền của người học.
PV Thanh Niên đã liên hệ với Bộ GD-ĐT để tìm hiểu về chủ trương đào tạo theo địa chỉ sử dụng thì được Bộ GD-ĐT gửi tới một văn bản hướng dẫn về tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng, được ký và ban hành ngày 11.8.2011. Theo đó, đối tượng tuyển sinh là những TS dự thi ĐH, CĐ năm 2011 nhưng chỉ áp dụng tuyển sinh theo địa chỉ sử dụng cho đối tượng ở vùng sâu vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Những đơn vị được đề nghị đào tạo là UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Trách nhiệm của đơn vị này hỗ trợ kinh phí cho người học; phối hợp với các trường trong quá trình tuyển, quản lý người học trong suốt quá trình đào tạo đồng thời phải tiếp nhận và phân công công tác cho người học sau khi tốt nghiệp.
Đó là chưa kể hiện vẫn tồn tại chương trình cử tuyển nhằm ưu tiên đào tạo nhân lực cho những vùng khó khăn. Trước thực trạng lộn xộn này, một chuyên gia giáo dục bức xúc nói: “Không hiểu tại sao Bộ lại có chủ trương đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Nếu các công ty có nhu cầu sử dụng nhân lực thì hoàn toàn có thể tuyển trên thị trường lao động. Còn nếu để ưu tiên cho những vùng khó khăn có nguồn tuyển thì đã có chủ trương cử tuyển rồi”.
Vũ Thơ - Ngọc Minh
Bình luận (0)