(TN Xuân) Kỹ sư Nguyễn Bùi Hiển (ngụ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương), năm nay đã 60 tuổi, hiện đang làm chủ garage sửa chữa ô tô ở thị xã Thuận An. Với niềm đam mê khoa học, ông đã sáng chế ra 2 chiếc trực thăng mang tên mình.
Chiếc trực thăng thế hệ thứ 2 mang tên Bùi Hiển - Ảnh: Đỗ Trường
|
Chiếc trực thăng thứ nhất được ông chế tạo năm 2012 có trọng lượng 250 kg, dài 2,95 m, rộng 1,2 m, cao 2,4 m. Chiếc trực thăng sử dụng động cơ Yamaha 2 thì, từ chiếc xuồng cao tốc 106 mã lực. Cánh quạt của trực thăng được thiết kế bằng inox. Đuôi của trực thăng bằng bánh lái dạng cánh bướm để điều khiển chuyển hướng. Theo tính toán của ông Hiển, chiếc trực thăng này có thể bay và đạt vận tốc từ 150 - 200 km/giờ. Trọng lượng trực thăng khi cất cánh đạt 375 kg, trong đó có 50 kg hàng hóa. Tiêu hao nhiên liệu khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ. Chi phí chế tạo ra chiếc trực thăng này hết khoảng trên 200 triệu đồng. Nhiều lần, ông Hiển điều khiển chiếc máy bay này cất cánh bay lên khỏi mặt đất trước sự chứng kiến của một số nhà báo. Tuy nhiên, ông Hiển đã bị cơ quan chức năng đình chỉ bay vì lý do thiếu an toàn.
Không từ bỏ ước mơ được bay, ông Hiển tiếp tục nghiên cứu chế tạo chiếc trực thăng thế hệ thứ 2. Đầu tháng 9.2014, ông cho ra mắt chiếc trực thăng đạt độ an toàn cao hơn. Theo ông Hiển, chiếc trực thăng mới này có chiều dài 7,4 m, cao 2,4 m; chiều dài cánh quạt chính là 6,6 m và chiều dài cánh quạt phía sau là 1,1 m. Chiếc trực thăng được chế tạo bằng động cơ máy bay được nhập từ Mỹ (do Nhật sản xuất, còn được sử dụng cho xe đua F1) 170 mã lực. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Nhiên liệu sử dụng là xăng A92. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/giờ, trần bay dưới 500 m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400 km. Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của ô tô 2.0. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500 kg.
“Chiếc trực thăng mới này bay, cất cánh, hạ cánh nhẹ nhàng, an toàn hơn nhiều so với chiếc trước nhờ hệ thống tách chuyển động của động cơ ra khỏi cánh quạt. Khi đang bay ở trên cao, nếu động cơ trục trặc, không hoạt động thì chỉ cần hạ góc quay của cánh quạt xuống âm 5 độ thì cánh quạt sẽ biến thành một cái chong chóng nâng đỡ trực thăng khi rơi xuống”, ông Hiển nói.
Ông Hiển tâm sự: “Tôi chỉ có niềm mong ước là chiếc trực thăng có thể được đưa vào phục vụ trong nông nghiệp, khảo sát, quay phim, chụp ảnh và tìm kiếm cứu nạn. Trong thời gian tới, chiếc trực thăng sẽ được đưa qua sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) bay thử dưới sự giám sát của cơ quan chuyên môn và cơ quan chức năng”.
Bình luận (0)