Trước đó, khoảng 19 giờ ngày 11.6, ngư dân Phạm Hữu Nhân, 54 tuổi, đang làm nghề câu mực trên tàu cùng với các ngư dân khác tại khu vực hướng Tây Nam của đảo Song Tử Tây (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) thì có biểu hiện mệt mỏi, ý thức chậm dần, không nói được, liệt nửa người phải, không đi lại được.
Đến 12 giờ 15 phút ngày 12.6, bệnh nhân được các thuyền viên trên tàu cá QNa 91964 TS đưa vào đảo Song Tử Tây để cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ não và được xử trí theo phác đồ, tuy nhiên bệnh nhân đáp ứng kém, có dấu hiệu phù não tiến triển.
Sau khi nhận được thông tin, kíp quân y của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đang công tác tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã nhanh chóng phân công các y, bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân.
Bệnh nhân khi được tiếp nhận trong trạng thái hôn mê, Glasgow 12 điểm, không nói được, liệt nửa người phải, đồng tử 2 bên đều 2mm phản xạ ánh sáng dương tính, bí tiểu; mạch 58 lần/phút, huyết áp 145/90mmHg, Sp02 98%, không sốt.
Hội chẩn qua hệ thống Telemedicine cùng Bệnh viện Quân y 175, các bác sĩ nhận định bệnh nhân tiên lượng nặng, nguy cơ diễn biến phức tạp, có thể tử vong nguy cơ suy hô hấp tiến triển, nên được đề nghị đưa về đất liền điều trị.
Trực thăng hạ cánh tại sân đỗ tòa nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 lúc 23 giờ ngày 13.6 |
trần chính |
Nhận mệnh lệnh, Binh đoàn 18 đã điều động trực thăng EC 225, số hiệu VN 8622 do cơ trưởng Đỗ Hoàng Hải cùng Tổ cấp cứu đường không Bệnh viện Quân y 175 do thượng úy Tạ Văn Bạch làm Tổ trưởng lên đường ra Song Tử Tây.
Đoàn y bác sĩ cấp cứu của Bệnh viện Quân y 175 xuất phát từ lúc 13 giờ ngày 13.6 tại Sân bay Tân Sơn Nhất, đến Đảo Song Tử Tây lúc 19 giờ, đưa bệnh nhân về sân bay trực thăng tại nóc nhà Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 175 an toàn trong khuya cùng ngày.
Ê kíp bác sĩ Bệnh viện Quân y 175 cấp cứu cho người bệnh |
trần chính |
Ngay khi chuyển về Bệnh viện Quân y 175, bệnh nhân được đưa vào khoa Cấp cứu, tiến hành hội chẩn viện để điều trị tiếp theo.
Khuya 13.6, thượng úy - bác sĩ Tạ Văn Bạch (Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Quân y 175), cho biết ở bệnh nhân đột quỵ chưa biết chảy máu hay nhồi máu thì quá trình cấp cứu rất khó. Đầu tiên sẽ dùng các biện pháp chống phù não, vì nếu não phù nặng bệnh nhân sẽ mất tri giác và các phản xạ... ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, sẽ cho bệnh nhân thở oxy hỗ trợ đảm bảo về mặt huyết động, dùng các thuốc chống phù não... Nếu bệnh nhân diễn tiến nặng phải cho thở máy.
Do bệnh nhân đã có dấu hiệu phù não nên việc di chuyển bằng đường không có nhiều khó khăn. "Vì càng lên cao áp suất giảm sẽ làm nặng hơn tình trạng phù não, ê kíp phải đề nghị phi công bay thấp hơn bình thường, bay là là dưới mặt đất, thay vì bay ở độ cao 1500m. Do đó chuyến bay sẽ lâu và khó khăn hơn bình thường", bác sĩ Bạch phân tích.
Hiện các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân tạm ổn, tri giác vẫn như cũ, chỉ số hôn mê Glasgow khoảng 10 điểm... Bệnh nhân đang được các bác sĩ tích cực theo dõi và điều trị.
Bình luận (0)