Trực thăng huấn luyện rơi, 3 người mất tích

Đến chiều tối qua (18.10), lực lượng tìm kiếm cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn, dù đã xác định được khu vực máy bay bị rơi.

Trước đó, lúc 8 giờ 30 cùng ngày, máy bay trực thăng EC-130T2, số hiệu 8632 của Trung tâm huấn luyện Tổng công ty trực thăng VN (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng), trong khi bay huấn luyện đã bị mất liên lạc tại khu vực tây bắc núi Dinh (H.Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu), cách sân bay Vũng Tàu khoảng 25 km. Ngay sau đó, Tổng công ty trực thăng VN đã cử 3 máy bay tìm kiếm tại khu vực núi Dinh thuộc địa bàn H.Tân Thành và TP.Bà Rịa cũng như quanh xã đảo Long Sơn, TP.Vũng Tàu.

Lực lượng đã chuẩn bị các vật dụng cần thiết để tìm kiếm máy bay bị nạn suốt đêm, nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở, đường trơn trượt và rừng rậm nên phải tạm dừng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm vào 5 giờ sáng 19.10

Thượng tá Trần Văn Cư, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự H.Tân Thành
Lúc 18 giờ ngày 18.10, thượng tá Trần Văn Cư, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự H.Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu), cho biết việc tìm kiếm máy bay trực thăng bị nạn phải dừng lại đến rạng sáng nay (19.10).
“Lực lượng đã chuẩn bị các vật dụng cần thiết để tìm kiếm máy bay bị nạn suốt đêm, nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở, đường trơn trượt và rừng rậm nên phải tạm dừng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm vào 5 giờ sáng 19.10”, thượng tá Cư thông tin.
Máy bay gặp nạn tại khe núi Ba Quang
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, từ 10 giờ cùng ngày, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã huy động lực lượng lớn gồm quân sự, biên phòng, công an, dân quân... lên khu vực đỉnh núi Dinh để tìm kiếm máy bay bị nạn. Các xe cứu thương cũng được huy động lên núi Dinh (đoạn thuộc P.Kim Dinh, TP.Bà Rịa) để vận chuyển người bị nạn nhưng việc tìm kiếm ở khu vực này không mang lại những manh mối nào.
Trong khi đó, đầu giờ chiều mặc dù trời mưa lớn, gây khó khăn rất nhiều cho việc tìm kiếm nhưng hàng chục người vẫn không ngừng len lỏi khắp khu rừng trên núi Dinh để mong tiếp cận được hiện trường vụ tai nạn.
Núi Dinh rất hiểm trở gây khó khăn cho công tác tìm kiếm Ảnh: Google maps

Đến 15 giờ cùng ngày, lực lượng chức năng đã xác định máy bay gặp nạn tại khe núi Ba Quang (nằm trong dãy núi Dinh, thuộc địa phận xã Tóc Tiên, H.Tân Thành). Sau đó, thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Tổng tham mưu, Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng công ty trực thăng VN có mặt tại khu vực gần vị trí máy bay gặp nạn chỉ huy việc cứu hộ cứu nạn.
Tập trung tìm kiếm cứu nạn phi công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm qua có công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng tập trung mọi biện pháp và huy động lực lượng, phương tiện khẩn trương tìm kiếm cứu nạn phi công trong vụ máy bay trực thăng EC130 T2 bị nạn; tổ chức giải quyết, khắc phục hậu quả; làm rõ nguyên nhân tai nạn; tiến hành rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác chỉ huy, điều hành bay, đảm bảo kỹ thuật hàng không, kịp thời tổ chức rút kinh nghiệm trong bảo đảm an toàn bay. Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phối hợp Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương triển khai công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn này.
TTXVN

Tại cuộc họp vào 17 giờ chiều qua, thượng tướng Võ Văn Tuấn chỉ đạo lập kế hoạch tìm kiếm gồm 2 hướng: hướng mặt đất do Ban Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì; hướng hàng không do Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân) tìm kiếm. Ông Tuấn cũng đề nghị Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu động viên, tuyên truyền bà con nhân dân cùng đi tìm, thời gian có thể kéo dài, việc tìm kiếm phải huy động nhiều lực lượng, nhưng phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng tìm kiếm.
Đại tá Phạm Phú Ý, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: “Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, ngoài quân sự địa phương, công an, dân quân tự vệ, người dân bản địa... còn có sự trợ giúp của thiết bị tìm kiếm hiện đại mang từ Hà Nội”.
Người dân nghe tiếng nổ lớn
Ông Phùng Mạnh Cường (65 tuổi, nhà dưới chân núi Dinh, gần khu vực máy bay bị nạn) cho hay thời điểm máy bay bị nạn, ông đang ngồi trong nhà thì nghe tiếng nổ rất lớn ở trên đỉnh núi. “Tôi nghe tiếng nổ rất lạ, đó không phải do tiếng mìn nổ lấy đá mà mọi ngày ở núi Dinh các công ty vẫn cho nổ. Tiếng nổ này không gây rung chuyển nhà và xảy ra khá sớm. Thường thì các công ty nổ đá là 10 giờ đến trưa nhưng vụ nổ này sớm hơn rất nhiều. Sau vài giờ thì tôi nghe người ta nói có máy bay mất tích trên núi Dinh nên nghĩ tiếng nổ lúc nãy là của máy bay bị nạn”, ông Cường kể và cho biết thêm có ngửi thấy mùi khét, nhưng không biết đó là mùi gì. Tương tự, vợ ông Cường cũng khẳng định nghe tiếng nổ lớn ở trên đỉnh núi Dinh, gần nhà.
Ông Nguyễn Tấn Lực (42 tuổi, ở chân núi Dinh) cho biết khi chở khách đi xe ôm vào núi Dinh thì nghe tiếng gió xé rất mạnh trên đỉnh núi. “Một lúc sau nghe người dân nói có máy bay mất tích trên đỉnh núi Dinh, tôi mới biết tiếng gió xé to vừa rồi là máy bay trực thăng rơi”, ông Lực nói.
Lực lượng khoanh vùng vị trí máy bay bị nạn
Đại tá Nguyễn Xuân Trường, nguyên Trung đoàn trưởng Không quân trực thăng 917 (Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không - Không quân), người đã có rất nhiều năm bay trực thăng phục vụ giàn khoan dầu khí từ sân bay Vũng Tàu, nhận định: “Thời tiết sáng 18.10 rất xấu, có thể các học viên đang huấn luyện bay xuyên mây đã va vào núi Dinh cao hơn 500 m”.
Con trai người anh hùng
Danh tính của 3 người đi trên máy bay là giáo viên, học viên bay, được xác định gồm: trung úy Đặng Đình Duy (25 tuổi, quê Hà Nam), vừa tốt nghiệp khóa 40 phi công quân sự và khóa 1 phi công hải quân (2011 - 2015), Trường Sĩ quan Không quân; trung úy Nguyễn Văn Tùng (25 tuổi, quê Thanh Hóa). Cả hai đang là học viên thực hiện phần thực hành bay 2 năm cuối tại Trung tâm huấn luyện của Tổng công ty trực thăng VN. Giáo viên bay là đại úy Dương Lê Minh (32 tuổi, quê TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Đại úy Minh là con trai của liệt sĩ Dương Văn Thanh, nguyên thượng tá, Phó trung đoàn trưởng Không quân 910, được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 9.1.2007.
EC130 T2 do Hãng Airbus Helicopters sản xuất, là loại máy bay trực thăng được đánh giá cao bởi tính đa năng, sự tiện nghi, hiệu suất hoạt động cũng như tính cơ động. EC130 T2 có thể chở được 6 - 7 hành khách, rất thuận tiện cho việc chở khách du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh từ trên cao, bay thám sát địa bàn, khảo sát các chương trình kinh tế, tìm kiếm cứu nạn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.