Khởi động, cánh quạt cắt gió ào ào, tiếng động cơ rền vang, "phi công" Bùi Hiển bắt đầu tăng ga và chiếc trực thăng từ từ nhấc lên khỏi mặt đất một cách êm ái đến bất ngờ.
|
Đó là hình ảnh trong khu nhà xưởng rộng hơn 300m2, cao 12m khi ông Nguyễn Bùi Hiển (SN 1954, quê Hà Tĩnh, ngụ TX.Thủ Dầu Một, Bình Dương, chủ garage Bùi Hiển) cất cánh thử nghiệm chiếc trực thăng do ông chế tạo trước ống kính của PV trong sáng qua 28.3. Sau khi cất cánh khỏi mặt đất khoảng hơn 1m, ông Hiển cho chiếc máy bay lượn nhiều vòng xung quanh (khoảng 20m/vòng) rồi hạ xuống "bãi đáp" một cách êm ái như khi lên.
Để chế tạo máy bay trực thăng, ông Hiển tìm mua được động cơ Yamaha của một chiếc mô tô nước 106 mã lực. Có được động cơ phù hợp, ông tiếp tục mày mò tìm bộ vi sai của ô tô để cải tạo lại làm sao để đưa lực từ một động cơ ra cả hai tầng cánh quạt cho phù hợp.
Ông Hiển tự tìm tư liệu, rồi mày mò vẽ mô hình, tính toán các thiết bị. Sau đó, tự tay phay, tiện, hàn, ráp nối các thiết bị với nhau. Đối với cánh quạt, ông Hiển chọn loại 2 cánh quạt xoay ngược chiều nhau để giúp trực thăng giữ được thăng bằng và rút ngắn được chiều dài của sải cánh.
Ban đầu, ông Hiển chọn chất liệu cánh quạt bằng nhôm nên khi chuyển động thì bị cong. Để khắc phục “lỗi kỹ thuật” này, ông Hiển tiến hành chế tạo cánh quạt bằng inox. Cũng theo tính toán, trọng lượng chiếc trực thăng khi cất cánh có thể lên đến 375 kg. Tiêu hao nhiên liệu khi bay khoảng 15 lít xăng/giờ vì động cơ của nó là động cơ 2 thì. Theo tính toán của ông Hiển, máy bay có thể đạt độ cao 200m.
Cách điều khiển chiếc trực thăng này cũng khá đơn giản. Phía trước mặt có 2 chiếc đồng hồ đo vòng quay của cánh và tốc độ của trực thăng. Ở dưới 2 chân có 2 bàn đạp, làm nhiệm vụ đổi hướng bay trái phải. Khi muốn trực thăng di chuyển về hướng nào thì đạp chân lên bàn đạp ở hướng đó. Ở sát ngay ghế ngồi (giữa hai chân) có một cần điều khiển (giống như cần số của ô tô). Chức năng của cần điều khiển này là để giữ thăng bằng cho trực thăng. Khi trực thăng nghiêng về hướng nào thì kéo cần về hướng ngược lại để giữ thăng bằng. Khi muốn điều khiển trực thăng bay về phía trước thì chỉ cần đẩy cần về phía trước. Khi cất và hạ cánh hoặc thay đổi tốc độ trực thăng thì điều chỉnh bằng tay ga. "Nói chung là giữ thăng bằng trong lúc điều khiển trực thăng là khó nhất”, ông Hiển cho biết.
“Chế tạo được chiếc máy bay này, tôi chỉ mong muốn khẳng định một điều rằng người Việt Nam chúng ta hoàn toàn có thể chế tạo được máy bay. Tôi đã già rồi, không có nguyện vọng gì hơn nữa mà chỉ mong muốn nhà nước hãy quan tâm đến lớp trẻ, tạo điều kiện cho họ có điều kiện nghiên cứu và phát triển”, ông Hiển nói.
Tuy Phong
Bình luận (0)