Tàu vũ trụ NASA đâm tiểu hành tinh, thử nghiệm đối phó ngày tận thế

26/09/2022 23:57 GMT+7

Tàu vũ trụ DART của NASA sẽ lao vào tiểu hành tinh Dimorphos để thay đổi quỹ đạo của nó vào sáng nay 27.9. Cuộc thử nghiệm được phát trực tiếp để cả thế giới theo dõi.

Tường thuật trực tiếp
Theo dõi phi thuyền NASA đâm vào tiểu hành tinh

Ảnh minh họa tàu vũ trụ DART và tiểu hành tinh Dimorphos cùng vệ tinh LICIACube trước thời điểm va chạm

nasa

Tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã chuẩn bị sẵn sàng để lao vào tiểu hành tinh Dimorphos nhằm làm chệch hướng quỹ đạo của nó vào 6 giờ 14 sáng 27.9 (giờ Việt Nam).

NASA đang phát trực tiếp toàn bộ sự kiện và mời công chúng theo dõi trên trang web chính thức của cơ quan này hoặc các tài khoản mạng xã hội của NASA như Facebook, Twitter hoặc YouTube.

Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên về kế hoạch bảo vệ Trái Đất khỏi các vật thể từ vũ trụ. Trong sứ mệnh, tàu vũ trụ DART sẽ lao thẳng vào một tiểu hành tinh với vận tốc 22.500 km/giờ nhằm kiểm chứng liệu phương pháp đâm phi thuyền vào tiểu hành tinh có phải là cách hiệu quả để thay đổi hành trình của nó trong không gian hay không.

Phi thuyền trị giá 325 triệu USD này do Phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng (APL) tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) phát triển. Phi thuyền có kích thước chỉ bằng chiếc máy bán hàng tự động và nặng khoảng 570 kg.

Mục tiêu của DART là một tiểu hành tinh tên là Dimorphos, có đường kính khoảng 160 m. Dimorphos không quay quanh Mặt Trời mà có quỹ đạo quanh một tiểu hành tinh lớn hơn có tên là Didymos (đường kính 780 m). Hai tiểu hành tinh này không đe dọa Trái Đất và cách chúng ta khoảng 9,6 triệu km.

DART được tên lửa đẩy Falcon 9 của hãng SpaceX phóng lên vũ trụ vào ngày 24.11.2021 cùng với một vệ tinh tên LICIACube do Cơ quan Không gian Ý phát triển. Vệ tinh LICIACube sẽ giữ một khoảng cách so với tiểu hành tinh để ghi hình lại cú va chạm.

Camera gắn trên DART và các kính viễn vọng trên trái đất cũng như trong không gian sẽ được sử dụng để ghi lại dữ liệu từ cuộc thử nghiệm. Năm 2024, một phi thuyền của Cơ quan Không gian châu Âu có tên Hera sẽ được phóng lên và dự kiến gặp được cặp tiểu hành tinh vào năm 2026 để đo đạc những tác động của DART.

Cuộc thử nghiệm sẽ cung cấp dữ liệu quan trọng để giúp chuẩn bị tốt hơn cho khả năng xuất hiện tiểu hành tinh có thể gây ra nguy cơ va chạm với Trái Đất. Các nhà thiên văn ước tính hiện có khoảng 25.000 tiểu hành tinh gần Trái Đất có đường kính khoảng 152 m hoặc lớn hơn, kích thước đủ lớn để gây nguy hiểm cho con người nếu xảy ra va chạm. (Đang cập nhật)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.