Dược sĩ Trần Thị Hồng Duyên - khoa dược Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết như vậy tại hội thảo da liễu khu vực phía Nam được Bệnh viện Da liễu TP tổ chức hôm qua 28-12.
Uống thuốc mà không rõ thuốc gì!
Bác sĩ Trần Thị Thanh Thủy - trưởng khoa lâm sàng 1, Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết một nghiên cứu đang thực hiện của khoa lâm sàng 1 (điều trị bệnh nhân nữ và trẻ em) ghi nhận trong năm 2009 và 2010, khoa lâm sàng 1 tiếp nhận điều trị hàng trăm bệnh nhân bị trúng độc da do thuốc.
Trong khi đó, theo dược sĩ Hồng Duyên, một khảo sát tình hình trúng độc da do thuốc tại Bệnh viện Da liễu TP trong bốn năm (từ tháng 1-2005 đến 12-2008) cho thấy có 401 trường hợp bị trúng độc da do thuốc.
Khảo sát nhóm thuốc dễ gây trúng độc da nhất là nhóm kháng sinh, nhóm chống co giật, giảm đau. Tuy nhiên, một số nhóm thuốc, chẳng hạn như vitamin (vitamin A) vẫn gây dị ứng, thuốc cổ truyền (thuốc nam, thuốc bắc, thuốc đông y, thuốc tán, giải độc hoàn...) thường được người dân xem là an toàn cũng vẫn có thể gây trúng độc da.
Một số dạng thuốc như bôi ngoài da, nhỏ mắt, chứa dược chất tưởng chừng vô hại như Hyaluronat sodium... thực tế làm bệnh nhân phải nhập viện do trúng độc da.
Có thể gây tử vong
|
401 trường hợp trúng độc da 401 trường hợp bị trúng độc da do thuốc có 82,8% không có tiền sử dị ứng. 17,2% còn lại có tiền sử dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, dị ứng môi trường gây nổi mề đay. Dù biết bản thân có tiền sử dị ứng vẫn có đến 43,5% tự sử dụng thuốc, tự mua thuốc sử dụng. |
Trường hợp nặng hơn có thể gây sốc phản vệ, làm người bệnh bị trụy tim mạch, ngất xỉu không biết gì, dẫn đến nguy cơ tử vong.
Trường hợp nhẹ, thường bệnh nhân chỉ thấy tê tê lưỡi, tê tê, sưng sưng, hơi ngứa môi hoặc mắt hơi sưng. Những biểu hiện này có thể xuất hiện trong 5 phút, 15 phút sau khi uống thuốc, có khi sau khi uống thuốc mấy giờ, có khi mấy ngày sau mới xảy ra, thậm chí một tháng biểu hiện trúng độc da do thuốc mới xuất hiện.
Thường với những triệu chứng nhẹ này bệnh nhân không để ý và bỏ qua. Chỉ khi bị nổi đỏ lấm tấm trên da, nổi bóng nước... nhiều người mới đi khám bệnh.
Trường hợp trúng độc da do thuốc nặng hơn như bị hội chứng Lyell (hội chứng hoại tử thượng bì), người bệnh bị tuột hết da rất nhanh trong vòng 2-3 ngày sau khi uống thuốc. Nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ mất nước, mất điện giải, dễ bị nhiễm trùng huyết.
Một dạng trúng độc da do thuốc nặng khác là hội chứng Stevens - Johnson. Ngoài việc da bệnh nhân bị nổi bóng nước, nổi hồng ban họ còn bị viêm trợt ở các lỗ tự nhiên. Khi đó, da xung quanh hốc mắt, da trong niêm mạc (toàn bộ miệng, vùng họng, thực quản) có thể bị viêm loét, không ăn uống gì được mà phải nuôi ăn qua ống sonde. Quanh các lỗ tự nhiên như hậu môn, đường sinh dục cũng trợt lở.
Hai hội chứng trúng độc da do thuốc nặng này nếu không được xử trí kịp thời có thể gây tử vong cho bệnh nhân.
Lưu giữ toa thuốc, vỏ hộp thuốc
Theo dược sĩ Hồng Duyên, để tránh bị trúng độc da do thuốc, bệnh nhân không nên tự ý sử dụng thuốc. Đồng thời cố gắng ghi nhớ những thuốc đã sử dụng bằng cách lưu giữ toa thuốc cũ, bao bì, vỏ thuốc cũ hay nhớ tên thuốc đã sử dụng.
Ngoài ra, nhân viên y tế cần tư vấn cho người bệnh (trong đó nhiều người là lao động phổ thông), thực hiện đúng quy chế kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn cũng góp phần làm giảm trúng độc da do thuốc ở người bệnh.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)