Trung “lép”: Bóng đá là “máu” nhưng gia đình mới là hơi thở

Lưu Ngọc Hùng
Lưu Ngọc Hùng
02/05/2020 07:30 GMT+7

Nói đến Nguyễn Anh Trung, hay còn gọi là Trung "lép" giới mộ điệu bóng đá TP.HCM thập niên 90 không ai không biết đến chàng cầu thủ có cái chân trái kỳ diệu này đã khiến biết bao đối thủ phải khốn đốn bởi lối chơi rực lửa

Cách đây 25 năm khi đội dự tuyển quốc gia tập trung để chuẩn bị lên đường sang Đức tập huấn chuẩn bị cho kỳ SEA Games tại Chaingmai - Thái Lan có 1 gương mặt khá trẻ giữa các đàn anh gạo cội như Mạnh Cường, Hữu Đang, Hoàng Bửu ... dù cuối cùng anh không có tên trong thành phần đội tuyển chính thức nhưng đó là 1 thời đáng nhớ của cầu thủ gốc TP.HCM: Nguyễn Anh Trung.

Đến bóng đá khá sớm khi 12 tuổi Trung đã được chọn vào đội trọng điểm năng khiếu, 15 tuổi gia nhập khoá 6 của trường Năng khiếu nghiệp vụ . Dưới sự dẫn dắt của các huấn luyện viên Dương Vũ Lâm, Vũ Tiến Thành ... tài năng của Anh Trung bộc phát 1 cách nhanh chóng. Cả lứa khoá 6 được chuyển giao cho Hải Quan năm 1993 khi anh mới tròn 19 tuổi (Trung sinh năm 1974) Cùng với Đỗ Khải, Xuân Trúc, Nguyên Chương, Kiên Hùng ... thi đấu cho đội bóng chủ quản 6 năm với vị trí tiền vệ trái và 1 suất trên đội tuyển thời Conlin Murphy 1997 là sự tưởng thưởng cho anh.

Trung “lép” cái biệt danh mà đồng đội đặt cho anh, ý nói anh nhỏ con , mỏng người nhưng cũng có khi để nói đến cái chân trái ( left ) đầy biến ảo với những pha đi bóng tốc độ, những tình huống qua người khó chịu và đặc biệt là những đường tạt bóng sắc gọn đầy tính sát thương. Sau mũi khoan Lưu Tấn Liêm thì Trung “lép” chính là hậu bối xuất sắc với kỹ thuật xử lý điêu luyện bên hành lang trái. Có thời điểm cánh này của Hải Quan chính là hướng tấn công chính mang lại nhiều miếng đánh sắc sảo cho đội bóng này qua sự xông xáo, hiệu quả của Anh Trung.

Anh Trung cùng Đỗ Khải, Nguyên Chương, Xuân Trúc đi tập huấn trong đội tuyển Việt Nam trước SEA Games 1997

Anh Trung trong đội tuyển TP.HCM năm 1996

HLV Vũ Tiến Thành nhận xét “ Anh Trung do tôi đào tạo nên có thể nói đó là một tài năng lớn không gặp thời. Về đẳng cấp cá nhân, Trung không thua bất cứ một chân chuyền và giỏi đột phá ghi bàn nào xuất sắc thời đó bên cánh trái như Hữu Đang, Lư Đình Tuấn, Ngô Quang Trường..Ở Trung còn có 2 ưu điểm dó là tốc độ bứt phá ở đoạn ngắn rất nhanh và hơn thế 2 chân khi có bóng như nam châm dính chặt, xoay trở cực lẹ và đi bóng vô cùng táo bạo như mũi tên đâm thẳng vào mạn sườn đối phương.

Thời đó xem Anh Trung đá rất sướng vì hễ anh có bóng là sóng gió nỗi lên cuồn cuộn khiến người xem vô cùng hào hứng. Không phải ngẫu nhiên mà Anh Trung góp phần quan trọng cùng Hải Quan 2 lần vô địch Cúp Quốc gia 1996, 1997. Tiếc là Trung không có duyên với đội tuyển. Năm 1995 và 1997 anh đều được gọi vào đội dự tuyển, đi tập huấn nước ngoài. Các HLV Weigang và Colin Murphy đều nhìn nhận chân trái của Trung là có 1 không 2 ở Việt Nam. Thậm chí anh còn được xem là Ryan Giggs với những màn trình diễn khéo léo và bay bổng như thêu hoa dệt gấm. Nhưng đến giai đoạn quyết định để gút danh sách thì Trung lại bất ngờ chấn thương khiến anh gần như mất tất cả cơ hội”.

Anh Trung và HLV Vũ Tiến Thành

Xin chuyển qua Bưu điện khi đội bóng này được thành lập và đang chơi ở giải hạng ba, cái tên Anh Trung khiến bao nhiêu người bất ngờ về quyết định của mình khi chấp nhận chơi ở hạng thấp hơn ở thời điểm phong độ đang chín muồi ở cái tuổi 25. Đó là 1 quyết định đầy khó khăn nhưng đó lại chính là lối đi mà đến bây giờ Trung không hề hối hận. “ Khi thi đấu cho Hải Quan, tôi cũng rất muốn cống hiến lâu dài để sau này có thể được vào biên chế. Nghề cầu thủ bạc, đời cầu thủ ngắn ngủi nên mình phải chuẩn bị cho tương lai sau này khi giải nghệ nhưng đợi mãi không thấy ai nói gì việc xét vào biên chế nên tôi buộc lòng phải ra đi” Anh Trung tâm sự .

Chơi bóng đến năm 29 tuổi khi đưa đội từ hạng 3 lên thi đấu giải hạng nhất, được triệu tập vào dự tuyển quốc gia năm 2002 thời Calisto nhưng một lần nữa cái duyên chưa gắn với anh. Anh Trung chính thức nghỉ hẳn, do có biên chế ở Bưu điện nên anh được giao nhiệm vụ làm tại công ty. Đến bây giờ thì cái tên Anh Trung đã gần như không còn trong trí nhớ của người hâm mộ mà thay vào đó là hình ảnh 1 anh nhân viên kinh doanh VNPT chi nhánh Chợ Lớn ở quận 5. Trang phục lúc nào cũng nghiêm chỉnh với áo bỏ trong quần, phong thái nhanh nhẹn của 1 người làm kinh doanh, Trung khiến nhiều người biết anh cảm thấy lạ lẫm về hình ảnh này.

Anh Trung (hàng ngồi, thứ 6 ở giữa) cùng các cầu thủ đá phủi

Chọn lối đi cho riêng mình, an toàn, chắc chắn và ổn định cùng công việc, cùng gia đình nhỏ với 2 con đang đến tuổi trưởng thành tại Q.1, nhưng cái máu, niềm đam mê vẫn còn trong con người anh. Mỗi tuần Trung đều xách giày ra các sân phủi cùng các đồng đội một thời của mình. Vẫn còn đó những đường đi bóng lả lướt, khéo léo quen thuộc, Trung vẫn là tâm điểm của các trận cầu phủi tại đất Sài Thành. Không những vậy, nỗi nhớ bóng đá đã thôi thúc anh và người đồng đội cũ Đỗ Khải mở lớp bóng đá cộng đồng K&T tại sân Đại học Cảnh Sát ở Q.7 vào những ngày cuối tuần .

Anh Trung và những cầu thủ nhí do anh đào tạo tại sân chơi bóng đá cộng đồng

Các cầu thủ nhí của trung tâm K&T

Anh Trung nói “ Thực sự tôi làm bóng đá cộng đồng chỉ để góp một phần nhỏ phát triển bóng đá trẻ và tạo thêm sân chơi phong trào cho những em nhỏ chứ không mong gì đào tạo nên cầu thủ chuyên nghiệp. Vì công việc bận rộn cả tôi và Khải đều còn phải đi làm nên lớp học của chúng tôi chỉ diễn ra vào cuối tuần, không phải liên tục nên khó để tài năng tỏa sáng. Những em nào có khả năng thông qua các giải đấu bóng đá cộng đồng giữa các trung tâm với nhau, chúng tôi sẽ giới thiệu ngay đến các “lò” hay trung tâm lớn hơn để các em có thể dấn thân..”

Khi được hỏi nếu được chọn lại và giống như các đồng nghiệp cũ tham gia vào bóng đá đỉnh cao hay công tác huấn luyện chuyên sâu cho tuyến trẻ, liệu anh có quyết định lại hay không? Anh Trung mỉm cười nhẹ và lắc đầu “ Cho dù bóng đá là máu nhưng gia đình mới là hơi thở. Tôi cần sự ổn định và muốn dành thời gian cho công việc hiện tại và gia đình hơn là phiêu lưu với môi trường bóng đá mới. Thế nên tôi chọn 1 hướng đi cho riêng mình” 

Anh Trung và gia đình

NVCC

 

                                                                   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.