Trung, Nhật sẽ bàn về tranh chấp trên biển

09/04/2012 03:24 GMT+7

Bắc Kinh và Tokyo dự định tổ chức cuộc hội đàm song phương đầu tiên về các vấn đề an ninh và tranh chấp trên biển vào giữa tháng 5.

Tuyên bố trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì và người đồng cấp Nhật Bản Koichiro Gemba tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang. Kyodo News ngày 8.4 dẫn lời ông Dương đề nghị hai nước “giải quyết các vấn đề nhạy cảm dựa trên các quy tắc trong quan hệ quốc tế”.

Dự kiến, tham dự cuộc hội đàm sắp tới sẽ có giới chức từ nhiều cơ quan chính phủ, gồm cả ngoại giao, quốc phòng và tuần duyên. Trong đó, hai bên sẽ thảo luận các vấn đề an ninh biển, bao gồm các sự cố xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tuy nhiên, chưa có thông báo về thời điểm cụ thể của cuộc hội đàm.


Tàu tuần tra của Trung Quốc hoạt động gần Senkaku/Điếu Ngư ngày 16.3 - Ảnh: Reuters
 

Bắc Kinh và Tokyo đạt được bước tiến mới khoảng 4 tháng sau khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo và người đồng cấp Nhật Bản Yoshihiko Noda nhất trí xây dựng một cơ chế trao đổi song phương về an ninh biển. Quan hệ giữa hai nước thường xuyên căng thẳng trong thời gian qua liên quan tới tranh chấp chủ quyền. Nhật Bản nhiều lần phát hiện và lên tiếng phản đối tàu tuần tra, thăm dò của Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku/Điếu Ngư. Mới đây, hồi giữa tháng 3, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Kenichiro Sasae triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Tokyo Trình Vĩnh Hoa để phản đối tàu tuần tra nước này xuất hiện tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp.

Hồi cuối tuần, tờ Yomiuri Shimbun đăng bài xã luận cho rằng Trung Quốc sẽ có các hành động cứng rắn, gây quan ngại trên biển Hoa Đông tương tự những gì đã làm ở biển Đông. Vì thế, bài viết kêu gọi Nhật tăng cường hỗ trợ các nước Đông Nam Á bảo đảm an ninh biển. “Nhật không thể đứng ngoài vấn đề tranh chấp và an ninh trên biển Đông vì nước này cũng có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Hòa bình và ổn định ở biển Đông là lợi ích chung đối với Nhật và các nước Đông Nam Á”, bài xã luận viết, đồng thời kêu gọi Tokyo mở rộng các hình thức hợp tác bên cạnh việc cấp vốn ODA cho các nước Đông Nam Á.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.