Trung Quốc bắt giữ thêm công dân Canada

14/12/2018 08:00 GMT+7

Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận đang tạm giam hai công dân Canada vì nghi ngờ có hành động phương hại an ninh quốc gia, đồng thời yêu cầu Ottawa thả Phó chủ tịch Huawei.

Trong buổi họp báo hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng xác nhận hai công dân Canada gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor - Giám đốc tổ chức xã hội phi lợi nhuận Trao đổi văn hóa Paektu (PCE) đang bị tạm giam, theo Reuters. “Cả hai công dân Canada đều bị tình nghi tham gia vào những hoạt động phương hại an ninh quốc gia Trung Quốc. Chúng tôi sẽ đảm bảo quyền hợp pháp và lợi ích của họ. Hai trường hợp đang được điều tra riêng biệt và xử lý theo đúng pháp luật”, ông Lục nói.
[VIDEO] Bình luận của Tổng thống Trump là 'quà Noel sớm' cho lãnh đạo Huawei?
Trước đó cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Canada Guillaume Bérubé cho biết chưa thể liên lạc với Spavor sau khi ông thông báo đã bị Trung Quốc thẩm vấn. Bạn bè của doanh nhân này cho biết ông có chuyến bay rời khỏi TP.Đan Đông (Trung Quốc) để đến Hàn Quốc, nhưng không xuất hiện tại sân bay hôm 10.12, đúng ngày ông Kovrig bị bắt. Theo Reuters, Spavor và Kovrig có quen biết nhau. Với vai trò là chuyên gia về Đông Bắc Á tại Viện Nghiên cứu chính sách ICG (trụ sở ở Bỉ), ông Kovrig nghiên cứu về quan hệ giữa Trung Quốc với CHDCND Triều Tiên, trong khi doanh nhân Spavor đứng đầu PCE có văn phòng ở TP.Đan Đông chuyên xúc tiến đầu tư, du lịch và giao lưu văn hóa, thể thao với Triều Tiên.
Những diễn biến trên tiếp tục nối dài căng thẳng giữa Canada và Trung Quốc, sau khi Giám đốc tài chính toàn cầu kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của Mỹ. Tòa án tối cao tỉnh bang British Columbia đã ra phán quyết cho phép bà Mạnh đóng tiền bảo lãnh để tại ngoại hầu tra nhưng bị giám sát chặt chẽ và có thể bị dẫn độ sang Mỹ.
Mặc dù giới chức Trung Quốc khẳng định việc bắt giữ công dân Canada không liên quan đến vụ bà Mạnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là biện pháp trả đũa của Trung Quốc biến công dân Canada trở thành “con tin” trong “bàn cờ” giữa Trung Quốc với Canada và Mỹ. Cũng liên quan vụ việc này, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland hôm qua cảnh báo Mỹ không nên dùng việc dẫn độ phục vụ mục đích chính trị. Tuyên bố của bà Freeland được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói có thể can thiệp vào vụ bà Mạnh nếu như điều đó tốt cho cuộc đàm phán về thương mại Mỹ - Trung.

Doanh nhân thân thiết với lãnh đạo Triều Tiên

Trung Quốc bắt giữ thêm công dân Canada
Ảnh: twitter
Ông Spavor là một trong số ít người phương Tây đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong những năm gần đây. Ông giúp sắp xếp, làm phiên dịch viên cho cựu ngôi sao bóng rổ Mỹ Dennis Rodman đến thăm lãnh đạo Kim.
Những hình ảnh được truyền thông đăng tải cho thấy doanh nhân Spavor từng trượt nước, uống rượu và trò chuyện với lãnh đạo Kim Jong-un trên du thuyền ở thành phố Wonsan (ảnh).
Ông thường lưu giữ nhiều bức ảnh chụp chung với lãnh đạo Kim trong điện thoại, nhưng luôn từ chối bình luận về chính trị và khẳng định chỉ tập trung vào vấn đề xúc tiến đầu tư và giao lưu văn hóa. Ông Spavor từng sống ở Bình Nhưỡng vài tháng hồi năm 2005. Do nói thành thạo tiếng Hàn với phương ngữ Triều Tiên nên ông giữ liên lạc với nhiều người ở Triều Tiên và được hưởng các đặc quyền. Chẳng hạn hồi tháng 2, Triều Tiên không cho phép truyền thông nước ngoài đưa tin về cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng, nhưng ông Spavor lại được phép đứng tại vị trí trung tâm khu vực duyệt binh, thực hiện video trực tuyến cảnh binh sĩ cùng các khí tài quân sự diễu hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.