Trung Quốc bị bêu danh tại phiên tòa Liên Hiệp Quốc

28/11/2015 06:00 GMT+7

Tại phiên tòa của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhiều chuyên gia hàng đầu cảnh báo hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho Biển Đông.

Tại phiên tòa của Liên Hiệp Quốc (LHQ), nhiều chuyên gia hàng đầu cảnh báo hoạt động phi pháp của Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng cho Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc (lớn) cản trở tàu Philippines trên Biển Đông - Ảnh: AFP Tàu hải cảnh Trung Quốc (lớn) cản trở tàu Philippines trên Biển Đông - Ảnh: AFP
Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan vừa kết thúc ngày thứ ba của phiên xét xử lần hai vụ Philippines kiện Trung Quốc về những yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Ngày 27.11, Phó phát ngôn viên Phủ Tổng thống Philippines Abigail Valte cho biết khi ra làm chứng trước tòa, các chuyên gia quốc tế đã trình bày lập luận về tác hại từ những hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp và đánh bắt trái phép của Trung Quốc đối với hệ sinh thái ở Biển Đông, theo tờ The Philippine Star. Trong đó, Giáo sư Kent Carpenter từ Đại học Old Dominion (Mỹ) khẳng định “những hành động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc đã gây ra tổn hại nghiêm trọng đối với môi trường”. Đặc biệt, hệ sinh thái rạn san hô ở khu vực “bị ảnh hưởng gần đến mức thảm khốc”.
Kết luận này đã nhận được sự ủng hộ của chuyên gia luật quốc tế Alan Boyle từ Đại học Edinburgh (Anh). Ông Boyle, thuộc phái đoàn luật sư đại diện Philippines, cảnh báo rằng nếu không bị ngăn chặn, những hoạt động của Trung Quốc sẽ tiếp tục đe dọa nghiêm trọng môi trường Biển Đông và tất cả các nước láng giềng.
Ngoài việc đào đất, bồi đắp phi pháp, chính quyền Trung Quốc còn bị chỉ trích đã làm ngơ cho ngư dân đánh bắt theo kiểu tận diệt trên Biển Đông. Nghiêm trọng nhất là dùng thuốc nổ hay chất natri xyanua cực độc để đánh bắt và xâm nhập vùng biển nước khác để đánh bắt trộm những loại quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, theo The Philippine Star.
Coi thường luật pháp quốc tế
Cũng tại PCA, giáo sư luật thuộc ĐH Miami (Mỹ) Bernard Oxman cho rằng Trung Quốc cố tình làm xấu thêm tình hình và mở rộng tranh chấp chủ quyền với Philippines. Ông Oxman, cũng nằm trong phái đoàn đại diện Philippines, nhắc lại những vụ tàu Trung Quốc cản trở tàu bè Philippines trên Biển Đông. “Ông Oxman nhấn mạnh việc từ chối tiếp cận là một phần của chính sách cố ý xua đuổi Philippines và công dân nước này ra khỏi thực thể tranh chấp và vùng biển xung quanh”, Phó phát ngôn viên Valte cho hay.
Trong khi đó, Giáo sư Boyle nêu lại chi tiết về hàng loạt vụ việc suýt dẫn đến va chạm hồi tháng 4 - 5.2012 tại bãi cạn Scarborough. “Những sự cố này, theo ông Boyle, cho thấy Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế về bảo đảm an toàn trên biển”, bà Valte nhấn mạnh.

Trong hai ngày trước đó của phiên xử thứ hai, phía Philippines chủ yếu đưa ra các lập luận cho thấy tuyên bố chủ quyền cũng như hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc không phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có những bằng chứng hết sức rõ ràng như tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông dựa trên yếu tố lịch sử của Trung Quốc không phù hợp với Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Hơn nữa, nhiều bản đồ từ thời nhà Minh không hề thể hiện “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông, theo The Philippine Star.

Các luật sư, chuyên gia cũng khẳng định tại tòa rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh làm xói mòn quyền lợi của các quốc gia ven biển khác và những đảo nhân tạo phi pháp không thể được sử dụng làm cơ sở để tuyên bố chủ quyền và các quyền liên quan.

Theo tờ Philippine Daily Inquirer, buổi xử cuối cùng của phiên xét xử thứ hai sẽ diễn ra vào ngày 30.11. Trước đây, nhiều chuyên gia và quan chức Philippines dự báo PCA có thể đưa ra phán quyết cuối cùng trong năm 2016. Dù tòa này không có thẩm quyền buộc các bên thi hành án và Trung Quốc cương quyết không tham gia vụ kiện, nhưng Philippines hy vọng một phán quyết có lợi sẽ khiến Bắc Kinh chịu sức ép lớn về pháp lý, chính trị lẫn tâm lý từ cộng đồng quốc tế để hành xử đúng đắn hơn trên Biển Đông.
Phản đối mọi hành vi đe dọa, sử dụng vũ lực đối với tàu thuyền VN
Ngày 27.11, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng trước thông tin tàu hải cảnh và tàu quân sự Trung Quốc vây ép, đe dọa tàu Hải Đăng 05 của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Các cơ quan chức năng trong nước đang làm rõ vị trí, khu vực xảy ra vụ việc cũng như một số vấn đề liên quan để có các biện pháp đấu tranh ngoại giao phù hợp”.
Ông Lê Hải Bình khẳng định thêm: “Tôi xin khẳng định lập trường nhất quán của VN là kiên quyết phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền của VN. Việc làm đó là vi phạm luật pháp quốc tế, trái với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định ở khu vực và hoàn toàn không thể chấp nhận, biện minh được”.
Như Thanh Niên đã đưa tin, từ 11 - 13 giờ ngày 13.11.2015, tàu Hải Đăng 05 của Công ty bảo đảm an toàn hàng hải Biển Đông và hải đảo (thuộc Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam, Bộ GTVT) bị nhiều tàu Trung Quốc đeo bám, vây ép dọc hành trình từ Trạm Hải đăng Sơn Ca lên Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Trong đó có cả tàu hải cảnh và tàu chiến đấu đổ bộ trang bị nhiều vũ khí. Theo lời thuyền trưởng Trần Văn Nga, các tàu Trung Quốc đã bắn pháo sáng sang phía tàu VN và có những hành động đe dọa hung hăng như mở bạt pháo 37 mm, huy động hơn 10 người chĩa súng sang tàu Hải Đăng 05...  
Anh Đan
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.