Tờ The Financial Times dẫn lời Đô đốc Samuel Locklear, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, ngày 2.6 xác nhận thông tin trên đã được phái đoàn quân sự Trung Quốc tiết lộ tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua. Lúc đó, phái đoàn này cho hay hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) bắt đầu “đáp trả thói quen tự tung tự tác” của Mỹ, thường xuyên gửi tàu chiến và máy bay chiến đấu vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc.
|
Theo luật quốc tế, mỗi quốc gia có đặc quyền đối với các nguồn lực kinh tế bên trong vùng EEZ cách 200 hải lý (khoảng 370 km) tính từ bờ biển. Mỹ và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều viện dẫn luật quốc tế về quyền tự do lưu thông, cho phép tàu chiến di chuyển qua EEZ. Tuy nhiên, Bắc Kinh lâu nay vẫn tỏ ý không hài lòng vì hoạt động trên của Washington. Năm 2009, Bộ Quốc phòng Trung Quốc chính thức ra tuyên bố yêu cầu Lầu Năm Góc ngưng ngay các sứ mệnh do thám dọc theo bờ biển Trung Quốc, theo AFP.
Báo The Diplomat đưa tin Đô đốc Locklear từ chối cung cấp thông tin về tầm hoạt động của các tàu chiến Trung Quốc trong EEZ Mỹ. Thế nhưng, theo các phái đoàn quân sự vốn nắm rõ các chiến dịch tuần tra của hải quân Trung Quốc, PLA đã mở rộng bán kính tuần tra và tập trận đến gần đảo Guam, nhưng chưa xâm nhập tới Hawaii hoặc phần lãnh thổ trên đại lục của Mỹ.
Sự bất đồng giữa Bắc Kinh với Washington về “luật lệ giao thông” bên trong EEZ đã gây nên 2 sự cố làm xấu đi quan hệ song phương trong quá khứ. Vào năm 2001, một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với máy bay phát tín hiệu tình báo của Mỹ ngoài khơi đảo Hải Nam. Hậu quả là phi công Trung Quốc mất mạng, còn máy bay Mỹ và phi hành đoàn bị Trung Quốc bắt giữ. Đến năm 2009, Washington than phiền rằng các tàu Trung Quốc liên tục quấy nhiễu tàu do thám Impeccable tại biển Đông.
Theo giới chuyên gia quân sự, động thái mới của PLA có thể phát đi tín hiệu cho thấy Bắc Kinh giờ đây đã có thái độ hòa hoãn hơn đối với hoạt động “xâm nhập” của hải quân Mỹ, hoặc đơn giản chỉ là hành vi trả đũa theo kiểu “anh lấn sân tôi thì tôi lấn sân anh”. Trong khi đó, các nguồn thạo tin ở Trung Quốc nhận định PLA đang tiến hành thử nghiệm hoạt động của hải quân, trong bối cảnh nước này mở rộng phạm vi của các cuộc tập trận tại tây Thái Bình Dương.
Nhật nhúng tay vào thỏa thuận Pháp - Trung Theo Kyodo News, Nhật Bản ngày 2.6 đã yêu cầu Pháp ngưng xuất khẩu các hệ thống đáp máy bay trên tàu. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera bày tỏ lo ngại rằng thỏa thuận trên có thể trở thành “ngòi thuốc súng” làm bùng nổ các chuyến bay tuần tra xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo và Bắc Kinh đang tranh chấp. Đáp lại, ông Le Drian cho rằng chính phủ Pháp không nghĩ rằng hệ thống trên sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Được biết, thiết bị này cho phép trực thăng đáp lên tàu trong thời tiết xấu. H.G |
Thụy Miên
>> E ngại Triều Tiên, đảo Guam nâng mức báo động
>> Hai máy bay ném bom Nga bị tiêm kích Mỹ chặn ở đảo Guam
>> Trung Quốc ngang nhiên nói tàu chiến tuần tra trên biển Đông là hợp pháp
>> Ông Kim Jong-un ra lệnh giấu tàu chiến
>> Đài Loan phản đối tàu chiến Philippines
>> Tàu chiến Trung Quốc rượt “quan chức Philippines”
Bình luận (0)