Trung Quốc bị nghi đưa tên lửa chống hạm đến Phú Lâm

23/03/2016 09:40 GMT+7

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm đến đảo Phú Lâm là hành động cực kỳ khiêu khích.

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa hành trình chống hạm đến đảo Phú Lâm là hành động cực kỳ khiêu khích.

Kênh truyền hình Phượng Hoàng (Phoenix TV) của Hồng Kông ngày 22.3 đăng tải hình ảnh và các phân tích cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng đã triển khai phi pháp tên lửa hành trình chống hạm YJ-62 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Theo Phượng Hoàng, trong vài ngày qua trên các trang mạng quân sự ở Trung Quốc như Phi dương quân sự lan truyền bức ảnh chụp cảnh một tên lửa YJ-62 đang khai hỏa từ trên bộ. Bức ảnh được mô tả là một vụ thử nghiệm YJ-62 của Hạm đội Nam Hải. Tuy nhiên, kênh Phượng Hoàng dẫn lời các nhà quan sát quân sự cho hay vụ bắn thử được thực hiện trên đảo Phú Lâm, dựa vào hậu cảnh của bức ảnh.
Trong bức ảnh có thể nhìn thấy các vật thể như trạm quan sát khí tượng, trạm radar, các cấu trúc xây dựng và sau khi so sánh với các bức không ảnh chụp đảo Phú Lâm, các nhà quan sát khẳng định nó được chụp trên đảo này. Hiện chưa rõ thời điểm diễn ra vụ thử nhưng nếu được xác nhận, đây sẽ là động thái leo thang khiêu khích nguy hiểm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hình ảnh vụ bắn tên lửa YJ-62 (trái) và phân tích từ hình chụp đảo Phú Lâm - Ảnh: Ifeng.com - Đồ họa: S.D

Chống tiếp cận khu vực
Tên lửa YJ-62 (Ưng kích 62) vốn được Trung Quốc phát triển vào thập niên 2000 và được trình làng lần đầu tiên tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 60 năm thành lập nước Trung Quốc vào năm 2009. Tên lửa này được trang bị đầu đạn nặng 210 kg, có tốc độ Mach 0,6 - 0,8 (tức 0,6 - 0,8 lần tốc độ âm thanh). Tầm bắn của nó được cho là xa hơn phiên bản xuất khẩu C-602 (280 km), theo Cơ quan Tình báo hải quân Mỹ. Phiên bản hiện đại YJ-62A được cho là có tầm bắn lên đến 400 km.
Sau khi Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm vào tháng 2, châm ngòi cho làn sóng phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế, nhiều chuyên gia đã dự đoán Bắc Kinh sẽ tiếp tục leo thang quân sự hóa bằng cách triển khai thêm tên lửa chống hạm trên bộ.
Bản thân các chuyên gia quân sự của Bắc Kinh cũng cảnh báo về việc triển khai loại tên lửa này nếu Trung Quốc bị Mỹ “o ép quá mức”. Theo đánh giá của chuyên gia Neil Ashdown thuộc Tổ chức nghiên cứu quân sự IHS Jane’s, đây là động thái “cực kỳ khiêu khích”.
Sự kết hợp giữa HQ-9 và YJ-62 có thể tạo ra một mạng lưới “chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực” (A2/AD) ở xung quanh Hoàng Sa, hình thành một “bong bóng phòng thủ” có thể uy hiếp máy bay, tàu chiến Mỹ và các nước hoạt động tại khu vực.
Theo Phượng Hoàng, việc Trung Quốc triển khai và bắn thử tên lửa YJ-62 ở Phú Lâm có thể nhằm mục đích răn đe các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ cũng như việc nước này triển khai nhiều tàu chiến, thậm chí cả nhóm tác chiến tàu sân bay, đến Biển Đông trong thời gian qua.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, nhà nghiên cứu về an ninh quốc gia thuộc Quỹ Potomac (Mỹ) Harry J.Kazianis nói rằng, nếu hành động này được xác nhận, đó sẽ là bước leo thang nguy hiểm. Mặc dù không phải là tên lửa chống hạm mạnh nhất của Trung Quốc như DF-21 hoặc DF-26, nhưng nếu tập trung số lượng lớn ở Biển Đông, YJ-62 sẽ là một thách thức. “Rất có khả năng việc rò rỉ những hình ảnh đó là phản ứng trực tiếp với Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng Mỹ - Philippines. Nó vừa được hai nước chốt lại vào thứ sáu tuần trước, cho phép quân đội Mỹ sử dụng 5 căn cứ khác nhau (ở Philippines)”, ông Kazianis nói.
Theo chuyên gia này, động thái trên có vẻ như là một phần của chiến lược dài hạn nhằm phát triển các năng lực tấn công quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, áp đặt cái gọi là “đường chín đoạn” và bảo đảm rằng Trung Quốc là thế lực thống trị tại vùng biển quan trọng.
Ông Kazianis cũng cho rằng Trung Quốc sẽ hành động hung hăng hơn trong thời gian tới nhờ vào các căn cứ mới ở Biển Đông: đồn trú các tàu hải quân tại các cảng mới được xây dựng, phát triển thêm các tên lửa hành trình và đạn đạo tầm xa hiện đại hơn, sử dụng các đảo nhân tạo làm căn cứ cho các đội tàu đánh cá và tàu hải cảnh.
Chủ yếu nhằm đe dọa
Đó là nhận xét của tiến sĩ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), khi trả lời Thanh Niên tối 22.3.
Ông cho biết: Thực tế, từ thập niên 1990, một số báo cáo từng chỉ ra rằng Bắc Kinh đã triển khai tên lửa đối hạm trên đảo Phú Lâm. Thậm chí còn có bằng chứng họ tiến đến triển khai các hệ thống phóng di động dành cho tên lửa đối hạm. Chính vì thế, diễn biến lần này nếu đúng thông tin do truyền thông Trung Quốc đưa ra thì không gây nhiều ngạc nhiên. Tuy vậy, vấn đề đặt ra chính là loại tên lửa mà Bắc Kinh đang triển khai ở đảo Phú Lâm. Trước đây, họ triển khai tên lửa Silveworm (tầm bắn 150 km - NV), được phát triển dựa trên các dòng tên lửa Liên Xô P-15 và SS-N-2, vốn rất dễ bị triệt hạ. Giờ đây, họ triển khai tên lửa YJ-62 có uy lực lớn hơn.
Tuy nhiên, các hệ thống phóng di động của YJ-62 ở đảo Phú Lâm chủ yếu nhằm tăng tính đe dọa, bởi nếu xảy ra xung đột thì không gian của đảo này quá nhỏ để có thể tạo ra sự linh hoạt cho hệ thống phóng YJ-62.
Sau khi phóng đi tên lửa, bởi diện tích của đảo Phú Lâm quá nhỏ nên các bệ phóng di động khó di chuyển xa. Vì thế, chúng rất dễ bị đối phương lần ngược dấu vết để tấn công phá hủy ngược. Nếu Bắc Kinh có hầm ngầm ở đây để chứa YJ-62 thì vẫn dễ bị tấn công phá hủy số vũ khí này.
Ngô Minh Trí
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.