Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ

20/10/2016 07:00 GMT+7

Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa của VN đã bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành căn cứ không - hải lớn nhất ở Biển Đông.

Trong số mới nhất, chuyên san quân sự Kanwa Defense Review dẫn hình ảnh mới từ vệ tinh cho thấy trên đá Chữ Thập, vốn bị Trung Quốc bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo, xuất hiện đường băng 3 km và 4 nhà chứa máy bay dài 34 m, rộng 25 m.
Giới chuyên gia nhận định những cơ sở này sẽ phục vụ máy bay cảnh báo sớm và chống tàu ngầm tiên tiến của Trung Quốc. Ngoài ra, tại Chữ Thập còn có 2 bãi đậu máy bay lần lượt dài 535 m và 626 m mà theo Kanwa Defense Review, có thể được thiết kế để tổng cộng 24 chiến đấu cơ có thể đậu cùng lúc. Nguy hiểm hơn, Trung Quốc bị cho là đã bố trí hệ thống thu phát sóng vô tuyến ngoài đường băng trên đá Chữ Thập để theo dõi các mục tiêu trên không và trên biển cũng như có mưu đồ xây dựng bãi phóng tên lửa xung quanh công trình này. Ngoài ra, một hải cảng phi pháp có thể chứa tàu quân sự cũng đang được mở rộng, theo Kanwa Defense Review.
Những thông tin trên là bằng chứng mới nhất chống lại tuyên bố của Trung Quốc rằng nước này không quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trước đó, tờ Minh báo (Hồng Kông) loan tin Trung Quốc đã xây dựng hàng chục nhà chứa máy bay trên 2 đá Chữ Thập và Xu Bi. Trong cuộc điều trần mới đây trước Ủy ban Đặc biệt về tình báo Thượng viện Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo không gian địa lý quốc gia Robert Cardillo cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng hoạt động bồi đắp ở Biển Đông “nhằm phục vụ thương mại và du lịch”. Báo Asia Times dẫn lời ông khẳng định nhiều cấu trúc và thiết bị liên quan đến quân sự mở đường để Bắc Kinh xem xét đưa lực lượng đóng trú thường trực trên các đảo nhân tạo.
Nguy cơ chia chác Biển Đông
Liên quan đến Biển Đông, Reuters ngày 19.10 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố ông sẽ không chủ động nêu vấn đề này trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào hôm nay 20.10. Ông còn nói phán quyết của Tòa trọng tài bác bỏ “đường lưỡi bò” phi lý sau vụ kiện của Manila là “một tờ giấy mà tôi sẽ không chủ động mở ra”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Philippines cho biết sẽ phản ứng đáp lại nếu phía Trung Quốc đề cập về Biển Đông.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm qua 19.10 nhấn mạnh tại Bắc Kinh rằng tranh chấp trên Biển Đông có thể sẽ kéo dài dai dẳng nhưng điều cần thiết là không để vấn đề “cản trở thúc đẩy quan hệ song phương”. Mặt khác, ông Yasay tuyên bố sự ấm lên với Trung Quốc sẽ không làm tổn hại quan hệ gần gũi giữa Philippines với các đồng minh và đối tác lâu nay.
Đáng chú ý, Ngoại trưởng Yasay khẳng định khả năng thăm dò khí đốt chung ở Biển Đông, hợp tác ngư nghiệp cũng như tập trận chung sẽ không được bàn đến trong chuyến thăm Trung Quốc lần này của ông Duterte. Tuy nhiên, tờ The Philippine Daily Inquirer cùng ngày dẫn lời giới chức Philippines cho hay Bắc Kinh và Manila đang đàm phán để chốt lại thỏa thuận có thể cho phép hai bên hợp tác thăm dò dầu khí đốt ở Biển Đông. Trong đó, một quan chức nói rõ rằng theo đề xuất thỏa thuận, việc hợp tác trước tiên sẽ bắt đầu ở vùng biển quốc tế gần phía Philippines hơn và tránh xa các khu vực tranh chấp. Sau khi tình hình ổn định, hai bên có thể bàn tới những khu vực nhạy cảm ở Biển Đông.
Biểu tình bạo lực chống Mỹ tại Manila
Ngày 19.10, khoảng 1.000 người Philippines biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Manila để đòi lính Mỹ rút khỏi miền nam nước này. Đám đông đụng độ dữ dội với lực lượng cảnh sát khiến các nhân viên công lực phải dùng hơi cay và dùi cui để trấn áp. Ngoài ra, một xe cảnh sát đâm vào người biểu tình và làm ít nhất 10 người bị thương, theo Reuters. Đến chiều qua 19.10, cuộc biểu tình đã kết thúc với 29 người bị bắt giữ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.