Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xúc tiến bồi đắp phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa với tốc độ và quy mô không hề kém hoạt động tại Trường Sa.
Hoạt động xây dựng phi pháp trên đảo Phú Lâm - Ảnh: Digital Globe
|
Tình trạng của đảo Quang Hòa - Ảnh: The Diplomat
|
Không chỉ gây sửng sốt cho cộng đồng thế giới với tốc độ bồi đắp và xây dựng tại ít nhất 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của VN, Trung Quốc còn bị phát hiện ngang nhiên tiến hành các công trình bồi đắp phi pháp tại các đảo Phú Lâm, Quang Hòa và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa, cũng thuộc chủ quyền của VN.
Theo tờ The Diplomat ngày 14.4, các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy đảo Phú Lâm đang được mở rộng đáng kể hệ thống đường băng và sân bay. Chỉ trong vòng 5 tháng, một đường băng dài 2.400 m đã được thay thế bằng một đường băng bê tông mới với độ dài 2.920 m. Các sân đỗ máy bay và những tòa nhà lớn liền kề cũng đang được xây dựng, nhiều khả năng dùng làm nhà chứa máy bay. Các hình ảnh được chụp vào ngày 17.3 còn cho thấy hoạt động cải tạo và nới rộng đang được triển khai tại đảo này.
Trong khi đó, đảo Quang Hòa mà Trung Quốc dùng vũ lực để cưỡng chiếm năm 1974 cũng đang trong tình trạng “phình to”. Các ảnh chụp vệ tinh đã cho thấy rõ ràng hoạt động bồi đắp ở cả Quang Hòa Đông và Quang Hòa Tây, làm tăng kích thước của hòn đảo thêm 50% kể từ tháng 4.2014. Trên đảo này hiện có một đơn vị đồn trú quân sự, 4 chảo vệ tinh và một cơ sở sản xuất bê tông. Hình ảnh so sánh cho thấy một khu cảng mới đang được mở rộng thông qua hoạt động nạo vét ở Quang Hòa Tây, kế bên là 2 cồn cát mới toanh. Phía Quang Hòa Đông cũng được nới rộng và Trung Quốc đang xây một bức tường gia cố chắn sóng bao quanh khu đất vừa hình thành. Các công trình mới cũng đang được xây dựng trên đảo Duy Mộng nằm ở phía đông bắc đảo Quang Hòa.
Gần đây, những nước như Mỹ và Philippines cùng giới truyền thông quốc tế đã liên tục lên án các hành vi phi pháp của Trung Quốc tại Trường Sa và mới đây là Hoàng Sa. Theo trang tin của tờ Hong Kong Economic Journal, có vẻ như Bắc Kinh đang cảm giác được sức ép ngày càng nặng hơn từ Mỹ. Bằng chứng là phiên bản báo mạng ngày 13.4 của tờ Nhân Dân nhật báo đăng đến hai bài xã luận chỉ trích những phát biểu của Tổng thống Barack Obama, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, giới nghị sĩ và tướng lĩnh Mỹ lên án hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa.
Vào cuối tuần qua, hai tờ báo lớn ở Mỹ là The New York Times và The Washington Post lần lượt đăng bài xã luận bày tỏ quan ngại về việc Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại biển Đông.
Cụ thể, trong bài Trung Quốc gây họa ở đá Vành Khăn, tờ The New York Times tố cáo Trung Quốc đang cố tình thiết lập sự ảnh hưởng ở biển Đông và làm xói mòn khả năng đạt được giải pháp cho tranh chấp biển đảo thông qua kênh ngoại giao.
Về phần mình, với tựa đề Thách thức bá quyền của Trung Quốc tại biển Đông, tờ The Washington Post đưa ra đề xuất rằng Quốc hội Mỹ nên trao quyền “xử lý nhanh” cho tổng thống để sớm hoàn tất Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương.
Tờ báo cũng kêu gọi các nước như VN, Philippines, Malaysia và thậm chí Indonesia nên nhanh chóng giải quyết mọi bất đồng về biển Đông và thành lập một liên minh gây áp lực buộc Trung Quốc bước vào đàm phán đa phương.
Trung Quốc lại khai quật tàu đắm ở Hoàng Sa
Trung Quốc vừa cử một đoàn khảo cổ tiến hành khảo sát và khai quật phi pháp xác tàu đắm tại vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN.
Tân Hoa xã đưa tin đoàn khảo cổ Trung Quốc với 25 thành viên đã rời thành phố Văn Xương, thuộc tỉnh Hải Nam, ngày 12.4 trong chuyến đi dự kiến kéo dài 45 ngày nhằm khai quật xác một chiếc tàu bị chìm gần đảo Hoàng Sa. Nhóm người Trung Quốc cũng sẽ tiến hành khảo sát một chiếc tàu đắm khác gần đảo Quang Ảnh.
Đây là chuyến khảo cổ thứ hai của Trung Quốc tại biển Đông sau chuyến đầu tiên vào năm 2008 nhằm khai quật một chiếc tàu đắm chở đồ sứ bị chìm cách đây hơn 700 năm.
Trùng Quang
|
Tổng thống Philippines cảnh báo về Trung Quốc
Tổng thống Philippines Benigno Aquino III ngày 14.4 cảnh báo thế giới cần phải lo ngại trước những nỗ lực của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền đối với hầu hết biển Đông.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn độc quyền với AFP, ông Aquino nói hoạt động “xây đảo” của Bắc Kinh tại biển Đông cùng những hành động khác nhằm khẳng định chủ quyền phi lý đã đe dọa các tuyến vận tải biển quốc tế và ngư trường tại đó.
Chủ nhân Điện Malacanang cũng nhận xét rằng mặc dù ông không tin Trung Quốc có ý định can dự vào một cuộc xung đột quân sự xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ với Philippines và các nước láng giềng khác, nhưng đó vẫn là một khả năng có thể xảy ra. Ông nhấn mạnh khả năng tranh chấp leo thang khỏi tầm kiểm soát nên là “mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo thế giới”.
Trùng Quang
|
Bình luận (0)