Trung Quốc che đậy sự cố rò dầu

14/07/2011 00:53 GMT+7

Việc giới chức Trung Quốc bưng bít thông tin về hàng loạt vụ rò rỉ dầu lớn trên biển Hoa Đông đang gây bất bình lớn trong dư luận.

Theo Tân Hoa xã, Tập đoàn dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) và Cục Hải dương quốc gia (SOA) hồi tuần trước đã thừa nhận sự cố rò rỉ dầu khí trên biển lớn nhất Trung Quốc vào ngày 17.6. Đây cũng là lần thứ 2 liên tiếp trong tháng 6, tập đoàn này làm rò rỉ dầu ở biển Hoa Đông, lần đầu vào ngày 4.6.

Ngày 21.6, không ít cư dân mạng xôn xao về thông tin khu vực vịnh Bột Hải nhiễm dầu trên diện rộng. Tuy nhiên tới ngày 4.7, CNOOC vẫn phủ nhận với phóng viên báo Bắc Kinh về việc này. Sức ép của dư luận cuối cùng khiến SOA và CNOOC phải họp báo vào ngày 5.7, công bố rõ về sự cố rò dầu tại giếng dầu Bồng Lai 19-3 ở Bột Hải, vùng biển giữa bán đảo Sơn Đông và bán đảo Liêu Đông của Trung Quốc. Giếng dầu Bồng Lai 19-3 do CNOOC và Công ty ConocoPhillips của Mỹ hợp tác quản lý và khai thác.

Đến ngày 10.7, sau đợt kiểm tra mới nhất ở giếng Bồng Lai 19-3 vẫn phát hiện thấy giàn khoan C có dầu rò rỉ và ở gần giàn khoan B có dấu hiệu như bị nhiễm dầu.

 
Giếng dầu Bồng Lai 19-3 / Ảnh: China.cn

Ém nhẹm thông tin

Ngày 9.7, cư dân sinh sống ở khu vực bờ biển tỉnh Sơn Đông cho hay rất nhiều máy bay trực thăng quần đảo suốt mấy ngày qua trên biển quanh khu vực rò rỉ. “Tất cả chúng tôi đều biết đó là máy bay đi vớt dầu. Trên biển, chỗ nào có nhiều máy bay là chỗ đó bị rò dầu nhiều”, người dân nói.

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 12.7, vụ rò dầu mới nhất tương đối nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa thể làm sạch váng dầu. Công tác dọn dẹp vẫn đang được tiếp tục ở giàn khoan B và C. SOA cũng trấn an dư luận rằng ở giếng Bồng Lai 19-3, an ninh được “chăm sóc kỹ” bởi 5 con tàu, 2 máy bay trực thăng, đội thợ lặn và luôn được duy trì giám sát qua vệ tinh. Tuy nhiên phạm vi nhiễm dầu ở cả 3 đợt rò rỉ vừa qua vẫn chưa được công bố cụ thể.

Tờ Thời báo Bắc Kinh cho đăng ý kiến bất mãn của người dân rằng: “Lời lẽ của họ thật quá trơn tuột, còn trơn hơn cả dầu. Ban đầu thì nói là không có gì, báo chí chỉ vừa lên tiếng đã lập thức thừa nhận có rò mà lại nói là không ảnh hưởng lớn”. Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đăng bài xã luận chỉ trích mạnh mẽ CNOOC ém nhẹm thông tin và cáo buộc SOA bao che cho tập đoàn này.

Ngay sau sự cố rò rỉ xảy ra, khu vực biển huyện Trường Đảo, tỉnh Sơn Đông liên tục xuất hiện hiện tượng ô nhiễm dầu với rất nhiều sinh vật biển chết bất thường ở khu vực cách Bồng Lai 19-3 75 km, theo báo China Daily. Nước biển ở vịnh Bột Hải có nơi đã biến thành màu đen và loang rộng đến hàng trăm km.

Đẩy trách nhiệm

SOA bị cho là đẩy trách nhiệm sang Công ty ConocoPhillips. Tại cuộc họp báo ngày 5.7, đại diện của cục này công bố kết quả điều tra nguyên nhân rò dầu và cho biết CNOOC không có lỗi gì trong khi ConocoPhillips phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Trong khi đó, ConocoPhillips tuyên bố rằng ngay sau khi xảy ra sự cố họ đã thông báo cho phía CNOOC và cơ quan hữu trách Trung Quốc, còn việc tại sao thông tin không được công bố thì họ không biết. Đang có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc đẩy hết trách nhiệm cho đối tác là hành vi không đẹp.

Theo số liệu công bố chính thức, nước biển trong khu vực 840 km2 quanh giếng Bồng Lai 19-3 đã bị phân hóa dữ dội, khiến nồng độ dầu trong nước vượt cao hơn 40,5 lần so với trước. Ngoài ra, cũng có một số lo ngại rằng nếu phạm vi tràn dầu thực tế cao hơn mức công bố và không được xử lý kịp thời thì dầu có thể ngày càng loang rộng, thậm chí ảnh hưởng ra các vùng biển xung quanh.

Bồng Lai 19-3 là một trong những giếng dầu trên biển lớn nhất TQ. Tại đây, CNOOC giữ 51% cổ phần, ConocoPhillips giữ 49% cổ phần, theo Tân Hoa xã. Sự cố rò dầu đã làm mất đi 1.000m3 dầu/ngày. Diện tích khu vực nhiễm dầu bị ảnh hưởng lên tới 840 km2 và khu vực bị nặng nhất lên tới 158 km2.

Nguyễn Lệ Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.