Trung Quốc có thể sẽ tham gia vào TPP trong tương lai

28/12/2015 17:24 GMT+7

TPP không chỉ dừng lại ở 12 quốc gia tham gia đàm phán ký kết mà có thể lên 15, 17 quốc gia, mở rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó không loại trừ Trung Quốc.

Việt Nam có cơ hội trở thành nơi trung chuyển, kết nối thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN - Ảnh: D.Đ.MViệt Nam có cơ hội trở thành nơi trung chuyển, kết nối thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN - Ảnh: D.Đ.M
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học về “Tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến Việt Nam và khu vực” tại TP.HCM chiều nay 28.12, ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công thương, thành viên đoàn đàm phán TPP cho biết: "TPP không chỉ dừng lại ở 12 quốc gia tham gia đàm phán ký kết mà có thể lên 15, 17 quốc gia, mở rộng ra khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó, không loại trừ Trung Quốc, đối thủ lớn nhiều lĩnh vực của nhiều quốc gia trên thế giới".
Ngoài ra, ông Khanh cũng nhấn mạnh việc Việt Nam có cơ hội trở thành điểm trung chuyển, kết nối hoạt động thương mại của các đối tác lớn tại ASEAN. Tác động này càng được cộng hưởng khi Cộng đồng chung ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm nay.
Nghiên cứu về những hệ quả gián tiếp liên quan đến TPP, giáo sư Phan Văn Trường, chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng ít ai bàn đến hay nghĩ đến. Giáo sư Trường cảnh báo: “Hiện tượng đô thị hóa sẽ gia tăng do áp lực của một nền kinh tế sản xuất lên cao, người dân sẽ ùa về đô thị. Như vậy, nhu cầu nhà ở, trường học, siêu thị sẽ rất cao”. Tuy nhiên, theo giáo sư Trường, đây không là tin quá đáng mừng. Bởi các thành phố lớn sẽ bị đẩy đến tình trạng quá tải quá mức tối đa. “Chúng ta sẽ không tránh được tình trạng sa mạc hóa nông thôn ngày càng gia tăng, đây mới là gốc của nhiều vấn đề xã hội sau này như sự tan rã của cơ cấu gia đình, vấn đề hưu trí của người già trong 20 năm tới”, ông Trường nhấn mạnh.
Hội thảo do Trường đại học Kinh tế Luật TP.HCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển, Trung tâm WTO tổ chức, có sự tham gia và trình bày tham luận của các chuyên gia, nhà nghiên cứu lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Đại học Kinh tế Luật, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Trường Đại học Quản lý Singapore…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.