Trung Quốc “cởi mở” với tiến trình COC

19/11/2011 00:42 GMT+7

Ngoại trưởng Indonesia nói “có một tâm thế cởi mở” trong vấn đề lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông tại cuộc họp ASEAN - Trung Quốc sáng 18.11.

Ngoại trưởng Indonesia nói “có một tâm thế cởi mở” trong vấn đề lập Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông tại cuộc họp ASEAN - Trung Quốc sáng 18.11.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên sau cuộc họp về phản ứng của Trung Quốc trước việc ASEAN khởi động soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC), Ngoại trưởng Marty Natalegawa nói: “Họ (Trung Quốc - PV) có một tâm thế cởi mở cho việc bắt đầu tiến trình thảo luận và thương lượng về COC”.

Trung Quốc trước nay muốn giải quyết song phương với từng quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Vì thế, nước này đã trì hoãn gần một thập niên việc thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông (DOC) ký năm 2002. Mãi đến tháng 7.2011, bản hướng dẫn này mới được thông qua tại Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Trung Quốc.

Ngày 12-13.11 vừa qua, quan chức cấp cao 10 nước ASEAN tiến hành thảo luận và phác họa một tiền bản thảo COC để trình lên các ngoại trưởng hôm 15.11. Dư luận đã nghi ngờ việc này có thể nhận phản ứng bất đồng từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Natalegawa ngay hôm 15.11 cho rằng ASEAN đã có một kịch bản riêng về vấn đề biển Đông và Trung Quốc sớm muộn gì cũng phải tham gia.  Trong cuộc họp giữa hai bên hôm qua, nước này đã không có phản ứng gì. Ông Natalegawa nói: “Nhìn chung, không khí tích cực trước những tiến triển quan trọng mà chúng ta đã đạt được”.

Tương tự, Bộ trưởng Ricky Carandang, phụ trách thông tin của Văn phòng Tổng thống Philippines, cũng khẳng định với phóng viên: “Tại cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc, có rất nhiều sự ủng hộ đối với việc thực thi DOC. Không có ai phản đối. Việt Nam, Thái Lan, Philippines, kể cả Campuchia… tất cả đều khẳng định phải tiến tới COC. Chúng ta muốn một bộ quy tắc có tính chất ràng buộc pháp lý để kiểm soát hành vi của các bên trên biển Đông”.

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Mỹ chiều qua cũng hoan nghênh những tiến bộ này. Phát biểu trong cuộc họp, ông Obama nói: “Tôi tin rằng ASEAN có đủ khả năng đảm bảo vấn đề an ninh biển, đặc biệt là việc giải quyết tranh chấp biển Đông”. Ông cho rằng biển Đông gắn với quyền lợi của mọi quốc gia, tranh chấp chỉ có thể giải quyết theo công pháp quốc tế và cộng đồng thế giới hoan nghênh COC.

Mở rộng diễn đàn an ninh biển

Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia cũng đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, hôm qua nêu đề xuất mở rộng Diễn đàn an ninh biển ASEAN trong cuộc họp thượng đỉnh ASEAN - Nhật Bản, Trợ lý ngoại trưởng Philippines Patricia Paez cho hay.

Bà Paez nói việc có thêm các quốc gia như Nhật, Hàn Quốc, Nga… tham gia diễn đàn nói trên là “rất thiết yếu” trong việc duy trì ổn định và chấm dứt các hiểu lầm trong khu vực. “Những tuyên bố chủ quyền đối chọi gần đây giữa nhiều quốc gia đang trở nên đáng quan ngại. Một diễn đàn như thế sẽ là nơi các quốc gia tranh chấp ngồi lại bàn luận thẳng thắn về các khác biệt giữa họ”. Ngoại trưởng Natalegawa của Indonesia, nước chủ nhà Thượng đỉnh ASEAN lần này, cũng khẳng định với báo chí rằng ASEAN hoan nghênh và sẽ tính toán hiện thực hóa đề xuất của Nhật Bản.

Hôm nay, Thượng đỉnh Đông Á với sự tham gia của 8 quốc gia ngoài ASEAN, gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand, Nhật Bản, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Úc sẽ khép lại toàn bộ chương trình hội nghị.

Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và có các bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị cấp cao ASEAN với các nước đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Cấp cao ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc), Cấp cao Mê Kông - Nhật Bản. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ song phương với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Malaysia Najib Razak, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ sẽ đến Myanmar

Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 18.11 tuyên bố sẽ cử Ngoại trưởng Hillary Clinton thăm Myanmar từ ngày 1.12. Đây là chuyến thăm Myanmar đầu tiên của một ngoại trưởng Mỹ trong vòng 50 năm qua. Theo AFP, thông tin trên được công bố sau khi nước này được chọn làm Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2014 và được đánh giá là có nhiều động thái cải cách và hòa giải trong thời gian qua. Cùng ngày, chính trị gia đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi tuyên bố bà và đảng của mình sẽ trở lại chính trường trong các kỳ bầu cử sắp tới.

H.G

Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.