Giá thép và quặng sắt cao hơn trong những tuần gần đây. Các loại hàng hóa khác, trong đó có bông và trứng, cũng đang đi lên đáng kể trên thị trường tương lai Trung Quốc. Hiện tượng này khiến một số chuyên gia lo lắng rằng quả bong bóng mới đang bắt đầu thành hình, theo CNN.
Giá cả quặng sắt cao hơn “kích thích đầu cơ trong thị trường quặng sắt tương lai ở Trung Quốc”, nhà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương Rajiv Biswas của IHS Insight cho biết. Dù vậy, ông vẫn cho hay mức tăng “có thể chậm lại do dư cung trên thị trường quặng sắt thế giới”.
Tình hình này khiến Bắc Kinh có một chút lo lắng. Giới chức Trung Quốc hồi tuần trước yêu cầu thị trường hàng hóa tương lai kiểm soát hoạt động giao dịch đầu cơ, dù chưa công bố chi tiết về cách làm.
Việc giới chức lo lắng không khiến nhiều người ngạc nhiên vì nước này đã có lịch sử lâu dài với các bong bóng tài sản. Khi thị trường bất động sản Đại lục yếu dần vài năm trước, người ta bắt đầu đổ xô vào chứng khoán, thúc đẩy thị trường gia tăng nhanh chóng trước khi lao dốc mạnh hồi năm ngoái, làm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Gần đây, giới đầu tư lại quay về với bất động sản và hàng hóa.
Một phần của sự gia tăng trong thời gian này được hỗ trợ bởi nhu cầu thực tế, ông Biswas nói, đề cập đến một loạt nhu cầu xây dựng nhà ở đang đi lên lần nữa khi chính phủ nước này hỗ trợ chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nỗ lực vực dậy tăng trưởng bằng cách bơm thêm tiền vào nền kinh tế của Bắc Kinh có thể đem lại một số tác dụng phụ không mong muốn, một số chuyên gia cho biết.
“Lo ngại về hoạt động đầu cơ hàng hóa đang gia tăng là một ví dụ cho thấy việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế của Trung Quốc tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng. Hoạt động rủi ro và đầu cơ đi lên khi tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay”, chuyên gia Andrew Colquhoun thuộc hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nói.
Trung Quốc từng đi lên nhanh chóng trong những thập niên qua để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, tiêu thụ rất nhiều nguyên vật liệu để xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy và các tòa nhà chọc trời. Song khi tốc độ tăng trưởng tuột xuống mức thấp nhất trong 1/4 thế kỷ năm 2015, xây dựng giảm đi cùng nhu cầu đồng, thép và các vật liệu khác. Các thị trường hàng hóa và các nước phụ thuộc vào chúng chịu tác động lớn.
Dư cung trong các ngành công nghiệp như thép tác động tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Bắc Kinh bị cáo buộc bán phá giá kim loại trên các thị trường khác.
Đầu năm nay, mọi việc tệ đến mức chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ sa thải 1,8 triệu lao động trong ngành than, thép và cắt giảm sản lượng. Giới chuyên gia kinh tế hoan nghênh nỗ lực trên vì nhiều ngành hàng hóa của Trung Quốc được cấu thành từ các doanh nghiệp quốc doanh nổi tiếng là hoạt động kém hiệu quả.
Tuy nhiên, sự đi lên gần đây trong giá thép và những nỗ lực kích cầu của chính phủ Trung Quốc có thể đồng nghĩa với việc ưu tiên của nước này nhiều khả năng đã chuyển hướng ra khỏi việc cắt giảm công suất, chuyên gia kinh tế Larry Hu của hãng Macquarie viết trong một báo cáo.
Bình luận (0)