Trung Quốc vừa đạt thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hàng hải với Indonesia, “kêu gọi sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau” trong cuộc tiếp xúc với phía Đài Loan, nhận được sự ủng hộ của Campuchia, cũng như thúc đẩy sự hợp tác với Thái Lan, Tân Hoa Xã cho biết.
Trong buổi họp lãnh đạo cấp cao tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) hôm 9.11, nước chủ nhà Trung Quốc đã có ba động thái đáng chú ý đầu tiên. Những “áp lực lớn” mà Reuters nhận định trước đó về Bắc Kinh trong cuộc họp lần này có vẻ đang được giải quyết êm thấm.
“Con đường tơ lụa” đã dài thêm
Tân Hoa Xã cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đồng thuận trong lĩnh vực hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải. Ông Tập Cận Bình cho rằng các ý tưởng của Tổng thống Widodo rất phù hợp với sáng kiến xây dựng ”Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” của Trung Quốc.
Tổng thống Indonesia Widodo (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước hội nghị APEC - Ảnh: AFP |
“Chúng ta có thể để các chiến lược của cả hai tương tác với nhau, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, hạt nhân và sử dụng đầy đủ các cơ chế liên quan để đẩy mạnh hợp tác hàng hải và vũ trụ”, ông Tập nói.
Về phía Indonesia, ông Widodo cam kết hỗ trợ ý tưởng thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) của Trung Quốc, cũng như hy vọng tham gia dự án trong giai đoạn đầu, theo Tân Hoa Xã.
Trong một diễn biến sau đó, Tân Hoa Xã đưa tin về việc Trung Quốc đạt thỏa thuận hợp tác đường sắt, tài nguyên nước và giáo dục để củng cố quan hệ song phương với Thái Lan.
Theo đó ông Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha rằng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Thái Lan, trong đó Trung Quốc sẽ là thị trường xuất khẩu nông sản lớn trong tương lai.
Đổi lại, Thái Lan sẽ hỗ trợ Trung Quốc trong việc xây dựng các tuyến đường sắt, trong khuôn khổ “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và sáng kiến xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.
Như vậy bên cạnh kỳ vọng thiết lập Khu vực Tự do Thương mại châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP), những thông điệp xung quanh “Con đường Tơ lụa” của Bắc Kinh đã nhanh chóng tìm thấy thêm những tiếng nói chung.
Thêm bạn, bớt thù
Song song với các cuộc đàm phán về cam kết kinh tế, Trung Quốc cũng đã có những chuyển biến tích cực trong quan hệ ngoại giao.
Nga và Trung Quốc ngày càng thắt chặt mối quan hệ - Ảnh: Reuters |
Sau khi nối lại đàm phán với Nhật Bản, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng kêu gọi Đài Loan tạm gác qua những khác biệt giữa hai bên để có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về mối quan hệ này. Reuters cho biết ông Tập đã trao đổi với chính trị gia cấp cao của Đài Loan Vincent Siew – người đại diện tham dự APEC lần này, vào hôm Chủ nhật 9.11.
“Chúng tôi phải tôn trọng sự lựa chọn của nhau về đường hướng phát triển và hệ thống xã hội” – Reuters dẫn phát biểu của ông Tập từ Tân Hoa Xã. “Hai bên nên tôn trọng nhau, cùng phát triển kinh tế, văn hóa, công nghệ và giáo dục”, ông Tập nhấn mạnh.
Có thể thấy từ Nhật đến Đài Loan, cách hành xử của Trung Quốc đang đi từ niềm nở, tích cực đến mềm mỏng. Mặc dù trước đó, Trung Quốc tranh chấp khu vực Điều Ngư/Sensaku với Nhật và vấp phải sự phản đối từ Đài Loan ở nhiều vấn đề.
Một điểm đáng lưu ý là qua ngày đầu tiên của APEC, Trung Quốc vẫn chưa đề cập đến Việt Nam và Philippines.
Vấn đề biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng không phải không đáng quan tâm. Nhưng, hoặc Bắc Kinh chưa bày tỏ động thái, hoặc có thể họ sẽ ngó lơ. Cách Trung Quốc đang làm vào lúc này, giống như tranh thủ sự ủng hộ từ các phía và đẩy một vài vấn đề nhạy cảm vào quên lãng.
Nhật Đăng
>> Nga - Trung ký loạt thoả thuận hàng tỷ USD tại APEC
>> Ông Tập Cận Bình trấn an doanh nghiệp APEC
>> APEC thiết lập mạng lưới chống tham nhũng ACT-NET
>> Các bộ trưởng APEC thông qua lộ trình FTAAP
Bình luận (0)