Xe

Trung Quốc đang phải trả giá ?

09/06/2021 19:30 GMT+7

Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi quốc tế đã gia tăng đáng kể, nhưng một thực tế là đa số các nền kinh tế lớn lại đang không mấy thiện cảm, thậm chí có cái nhìn tiêu cực về Bắc Kinh.

Trung Quốc không giấu tham vọng tăng cường hiện diện cũng như ảnh hưởng của mình trên mọi lĩnh vực, và đã thu được một số thành tựu. Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng vấp phải không ít chỉ trích từ cộng đồng quốc tế và các nước phương Tây với hàng loạt cáo buộc.
Điều đáng nói là gần đây, giới phân tích chỉ ra một lý do khiến các nước quay lưng với Trung Quốc ngày càng nhiều hơn, chính là chiến thuật “ngoại giao chiến lang” của Bắc Kinh. Thuật ngữ này được giới quan sát chính trị và truyền thông sử dụng ngày càng nhiều khi nói về Trung Quốc, với hàm nghĩa ám chỉ việc Trung Quốc triển khai “đội quân” gồm các nhà ngoại giao liên tục thể hiện tiếng nói cứng rắn, quyết liệt cũng như đáp trả bất kỳ lập luận nào chống lại Bắc Kinh.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew hồi năm 2020, 9 trên 14 nền kinh tế lớn có phản ứng tiêu cực ở mức độ cao nhất từ trước đến nay đối với Trung Quốc. Riêng tại Mỹ, 73% số người được khảo sát trả lời có ấn tượng “rất không tốt” hoặc “không tốt ở một khía cạnh nào đó” về Trung Quốc.
Theo Bloomberg ngày 8.6, có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều đó, nhưng chính các nhà ngoại giao Trung Quốc với chiến thuật “chiến lang”, đang gây thiệt hại nhiều nhất cho hình ảnh của Bắc Kinh ở nhiều nước.
Căng thẳng Mỹ - Trung thời gian qua là điều không có gì lạ, nhưng có vẻ như cách tiếp cận quyết liệt của giới ngoại giao Bắc Kinh càng không giúp mối quan hệ hạ nhiệt chút nào. Trong cuộc hội đàm song phương tại Alaska hồi tháng 3, Ủy viên Bộ chính trị - Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại trung ương Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Vương Nghị có cuộc đấu khẩu quyết liệt với cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ngoại trưởng Antony Blinken. Kết quả là, chẳng có bất đồng nào được giải quyết. Tháng trước, cố vấn phụ trách chính sách châu Á của Tổng thống Biden – ông Kurt Campbell còn tuyên bố, kỷ nguyên gắn kết với Trung Quốc đã chấm dứt.
Nhưng không chỉ ở Mỹ, hình ảnh Trung Quốc trong mắt nhiều đối tác khác như Úc, Canada, Anh hay châu Âu đều xấu đi nhanh chóng. Cuối năm 2020, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã yêu cầu phía Bắc Kinh xin lỗi sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng một bức ảnh dựng bằng phần mềm cho thấy một quân nhân Úc kề dao vào cổ một đứa trẻ người Afghanistan, sau khi Bắc Kinh bị công kích.
Ở châu Âu, EU hồi cuối tháng 5 đã bỏ phiếu với kết quả áp đảo nhằm đóng băng quá trình phê chuẩn một hiệp định đầu tư với Trung Quốc – thỏa thuận mà 6 tháng trước Bắc Kinh đã xem là thắng lợi chiến lược đáng kể của mình. Lý do được cho là xuất phát từ màn trả đũa qua lại giữa hai bên liên quan cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Quan hệ Úc - Trung thêm căng thẳng vì một bức ảnh ngụy tạo

Theo Bloomberg, một số nhân vật trong giới tinh hoa tham gia vào chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã nhận thấy hình ảnh của Bắc Kinh bị xấu đi và cảnh báo về rủi ro khi tiếp tục chính sách ngoại giao hiếu chiến. Tuy nhiên, giới quan sát cũng nhận định Trung Quốc khó thay đổi, đặc biệt là khi Mỹ cũng đang đẩy mạnh việc tận dụng chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc để kéo các nước xích lại gần Mỹ hơn. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng nội tại môi trường chính trị ở Bắc Kinh cũng khó cho sự thay đổi. Chính giới Trung Quốc tin rằng tất cả là do phương Tây gieo rắc và cố gắng kìm hãm sự phát triển của Bắc Kinh.
Theo Bloomberg, Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã nhận ra hệ quả của chiến thuật “ngoại giao chiến lang”. Trong cuộc họp với các quan chức cấp cao gần đây, ông Tập nói mọi người “kiềm chế” khi giao tiếp với thế giới bên ngoài, đồng thời “cởi mở, tự tin nhưng cũng phải khiêm tốn”.
Tuy nhiên, sự kiềm chế, cởi mở và khiêm tốn đó có được hay không còn phải chờ thực tế diễn ra. Ông Tập muốn Trung Quốc cải thiện bản thân trên trường quốc tế là thể hiện sự tăng cường kết bạn, nhưng thế giới buộc phải xem cách Bắc Kinh ứng xử mới có thể tin vào điều đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.