Trung Quốc đang sử dụng bạo lực để ngoại giao

05/06/2014 15:51 GMT+7

(TNO) Sau hơn 1 tháng, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam, Bộ Ngoại giao của ta đã tổ chức họp báo 3 lần công bố nhiều thông tin liên quan đến vụ việc. 16 giờ chiều nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế công bố nhiều thông tin liên quan đến giàn khoan Hải Dương 981.

(TNO) Sau hơn 1 tháng, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển của Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã tổ chức họp báo 3 lần công bố nhiều thông tin liên quan đến vụ việc. 16 giờ chiều nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp tục tổ chức họp báo quốc tế về biển Đông.

>> Trung Quốc ồ ạt đóng giàn khoan
>> Nhiều hoạt động tài nguyên trên biển bị ảnh hưởng vì giàn khoan Trung Quốc
>> Vụ giàn khoan Trung Quốc: Thanh niên, du học sinh Việt tác động tới công chúng Mỹ
>> Ngư dân sát cánh đuổi giàn khoan Trung Quốc
>> Mỹ đang giữ liên lạc chặt chẽ với Việt Nam về vụ giàn khoan Trung Quốc
>> Nga lần đầu lên tiếng vì giàn khoan Trung Quốc
>> Tường thuật của PV Thanh Niên từ Hoàng Sa: Cảnh sát biển VN áp sát giàn khoan Trung Quốc

Chủ trì buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam; ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục kiểm ngư; ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam; đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.

Trực tuyến họp báo quốc tế về biển Đông
Phóng viên trong nước và quốc tế tham dự họp báo - Ảnh: Nguyễn Tuấn

16 giờ, mở đầu buổi họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Lê Hải Bình cho biết, thời gian qua, Trung Quốc đã đưa tàu hộ tống đe dọa ngư dân, đe dọa hòa bình, hàng hải và an ninh khu vực, đi ngược lại luật pháp quốc tế, bỏ qua tuyên bố của các bên về biển Đông. Hành vi của Trung Quốc ảnh hưởng tới an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông, tuyến hàng hải hàng đầu của thế giới.

16 giờ 10 phút, ông Trần Duy Hải cho biết, hơn 1 tháng qua, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam, Việt Nam nỗ lực trao đổi dưới nhiều cấp, nhiều hình thức yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống. Trái lại Trung Quốc liên tục vu cáo Việt Nam trên thực địa và có hành vi leo thang mới, di chuyển vị trí giàn khoan sang vị trí mới, nằm sâu 60 hải lý trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam. Đồng thời gia tăng tàu hộ tống các loại, cao điểm có 140 tàu và điều nhiều máy bay chiến đấu. Các tàu Trung Quốc có hành vi hung hăng, đâm va, phun vòi rồng vào tàu chấp pháp và dân sự của Việt Nam, làm bị thương và gây hư hỏng nhiều tàu. Ngày 26.5, tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam đang đánh bắt bình thường trong vùng đặc quyền, cách giàn khoan 17 hải lý làm cho tình hình hết sức căng thẳng. Ngày 1.6, tàu Trung Quốc đâm thủng tàu CSB 2016 đang làm nhiệm vụ, làm trầm trọng thêm tình hình ở biển Đông, đe dọa an ninh hàng hải, hòa bình khu vực.

 
Trung Quốc nói là hòa bình nhưng thực chất là không phải. Trung Quốc đang sử dụng bạo lực để ngoại giao, không thể tin lời nói suông của Trung Quốc.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt NamNhập tên tác giả

Việt Nam đã có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan để 2 bên tiến hành đàm phán nhưng Trung Quốc lảng tránh. Tới ngày 4.6, lần 3 phía Việt Nam trao công hàm yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế đồng thời giải quyết tranh chấp trên biển qua đàm phán và biện pháp hòa bình.

Đại tá Ngô Ngọc Thu, cho biết, Trung Quốc đã sử dụng 6 loại tàu chiến: tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét ngầm... để bảo vệ giàn khoan. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng nhiều lượt máy bay hoạt động thường xuyên trên vùng biển có giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép để do thám, ghi hình hoạt động của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Cao điểm nhất là ngày 27.5, Trung Quốc sử dụng 9 lượt tàu chiến để hộ tống giàn khoan từ vị trí ban đầu đến vị trí mới.

Phương thức bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc là tổ chức thành các vòng bảo vệ: vòng 1: từ 1-3 hải lý: tàu vận tải, tàu dịch vụ. Vòng 2: 5-7 hải lý là các tàu chấp pháp, tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần… Vòng 3 là các tàu cá vỏ sắt hoạt động liên tục.

Khi các tàu của Việt Nam tiếp cận để gọi loa tuyên truyền thì các tàu của Trung Quốc tổ chức vây, tấn công tàu Việt Nam.

Trực tuyến họp báo quốc tế về biển Đông:
Đại tá Ngô Ngọc Thu - Ảnh: Lê Quân

Các tàu của Trung Quốc đã đâm va hư hỏng 24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, có 19 tàu kiểm ngư và 5 tàu cảnh sát biển.

16 giờ 30 phút, Ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư thông tin, trên thực địa, các tàu của Trung Quốc luôn chủ động tấn công uy hiếp tàu kiểm ngư Việt Nam. Hành động của Trung Quốc làm cho 12 kiểm ngư viên bị thương. Tôi cho rằng hành động uy hiếp, đâm chìm tàu cá Việt Nam của Trung Quốc là những hành động đặc biệt nghiêm trọng. Thời gian này là mùa ra khơi của bà con ngư dân miền Trung đang bám biểm sản xuất thế nhưng liên tục bị tàu các loại của Trung Quốc uy hiếp, truy đuổi. Đáng chú ý, tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu chiến Trung Quốc mang số hiệu 1241 có hành động truy đuổi, ném pháo sáng, thậm chí có hành động ném búa, ốc vít sang tàu. Một tàu ngư chính khác tham gia truy đuổi đâm trực diện vào phần đuôi.

Vào ngày 17.5, tàu cá số hiệu 96001 của ngư dân Việt Nam đang khai thác hải sản tại quần đảo Hoàng Sa cách đảo Tri Tôn 31 hải lý bị tàu chấp pháp Trung Quốc mang số hiệu 21102 tấn công đập phá trên tàu, đập phá cabin, chặt dây hơi, lấy đi các thiết bị thông tin liên lạc, lấy 400 kg hải sản đánh bắt. Tới ngày 26.5 khi tàu cá Đà Nẵng 90152 có 10 ngư dân đang khai thác trên vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu cá 11209 của Trung Quốc đâm chìm. Đây là hành động rất manh động, thể hiện mục đích sẽ đâm chìm tàu cá Việt Nam. Ngoài việc uy hiếp, cản trở, đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam, các tàu của Trung Quốc còn ngăn các tàu khác của Việt Nam tham gia cứu hộ cứu nạn. Trong khi đó, phía lực lượng kiểm ngư Việt Nam chủ động kiềm chế, tránh va chạm đồng thời có phương án phối hợp bảo vệ hỗ trợ ngư dân…

 Trực tuyến họp báo quốc tế về biển Đông
Ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư - Ảnh: Nguyễn Tuấn

16 giờ 40, buổi họp báo chuyển sang phần hỏi đáp.

Phóng viên báo Tiền Phong: Xin giải thích vì sao Trung Quốc thay đổi vị trí giàn khoan Hải Dương - 981? Vị trí hiện nay của giàn khoan này là gì?

Đại tá Ngô Ngọc Thu: Trung Quốc sau khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 ở Tây Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, ngày 27.5 đã di chuyển đến vị trí mới, cách đảo Tri Tôn 25 hải lý về phía Đông Nam, sâu trong vùng biển của ta 57 hải lý. Đây là giàn khoan dùng cho vùng nước sâu nên để khoan được, sẽ phải di chuyển nhiều để chọn vị trí. Đến nay, vị trí của giàn khoan này đã ổn định.

Ông Lê Hải Bình: Dù di chuyển thế nào thì đến nay giàn khoan này vẫn nằm trái phép trong vùng biển của Việt Nam.

Phóng viên nước ngoài: Tại sao Chính phủ Việt Nam không cho phép người dân biểu tình hòa bình?

Ông Lê Hải Bình: Khi xem những hình ảnh tàu Trung Quốc đâm tàu Việt Nam, không chỉ người Việt Nam phẫn nộ mà cộng đồng quốc tế cũng phẫn nộ. Còn về điều bạn đặt ra là Chính phủ Việt Nam không cho phép người dân biểu tình hòa bình trước Đại sứ quán Trung Quốc, chúng tôi xin khẳng định thông tin đó là không có cơ sở. Người dân Việt Nam có quyền biểu thị lòng yêu nước đúng pháp luật. Người Việt ở nhiều nơi trên thế giới cũng đã biểu thị lòng yêu nước.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam: Từ 6 - 9.6 sẽ diễn ra hội nghị ASEAN và ASEAN+3, vấn đề giàn khoan của Trung Quốc hạ đặt trên vùng biển Việt Nam sẽ được đưa ra như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Từ 6 - 10 tại Myanmar sẽ diễn ra một số hội nghị, nhiều quan chức cấp cao của các nước sẽ kiểm điểm quá trình xây dựng cộng đồng chung ASEAN. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh sẽ tham dự các hội nghị này. Duy trì an toàn hàng hải ở khu vực là vấn đề nhiều nước quan tâm, bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề này sẽ được đưa ra bản thảo. Cho nên, vấn đề biển Đông sẽ được đưa ra ở mức độ phù hợp.

Phóng viên kênh VTC 10, Đài truyền hình kỹ thuật số VTC: Tại một cuộc họp báo của Trung Quốc, họ cho rằng, Việt Nam đã dùng nhiều tàu chủ động đâm va vào tàu Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam có phản ứng gì về cáo buộc này?

Ông Trần Duy Hải: Đây là sự xuyên tạc sự thật, bóp méo tình hình thực tế trên biển Đông. Việt Nam có nhiều hình ảnh ghi lại tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam. Phía Trung Quốc đưa ra cáo buộc nhưng hoàn toàn không có hình ảnh nào chứng minh.

Những hình ảnh tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam đã được nhiều cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế thông tin. Phía Trung Quốc cũng đã thừa nhận đâm tàu của Việt Nam.


Bằng chứng tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân Việt Nam

Phóng viên báo Tuổi Trẻ: Hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã đấu tranh ngoại giao tích cực  nhưng Trung Quốc không xuống thang căng thẳng. Trong thời gian tiếp theo nếu Trung Quốc không thay đổi, Việt Nam sẽ có biện pháp gì? Vừa qua, đại diện các nước lớn trên thế giới đã phản ứng mạnh mẽ với hành vi hạ đặt dàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam và Trung Quốc tỏ ra rất bất bình trước các phản ứng của các nước lớn trên quốc tế. Việt Nam đánh giá vai trò quốc tế như thế nào trong việc duy trì an toàn hàng hải biển Đông? Vừa qua, tàu cá Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển Việt Nam. Trong trường hợp này, Bộ Ngoại giao có ủng hộ việc tàu cá ngư dân bị đâm chìm kiện tàu cá Trung Quốc ra tòa án quốc tế hay không?

Ông Trần Duy Hải: Hơn 1 tháng qua phía Việt Nam đã nỗ lực đấu tranh ngoại giao giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc bất chấp, liên tục leo thang căng thẳng trên thực địa. Còn Việt Nam vẫn luôn kiên trì biện pháp đấu tranh hòa bình, tiếp tục nỗ lực đấu tranh ngoại giao hơn nữa để tiếp tục giải quyết tranh chấp.

Vừa qua cộng đồng quốc tế có tiếng nói mạnh mẽ phản đối việc làm của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ nhất về vấn đề tranh chấp liên quan đến biển Đông. Tiếng nói của cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải trong khu vực. Việt Nam luôn mong muốn các nước trên thế giới có phản ứng mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Tôi cho rằng các vụ kiện quốc tế rất phức tạp. Tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc là dân sự thôi còn ở đây vấn đề không chỉ là vụ kiện dân sự thông thường nên như vậy sẽ không giải quyết được vấn đề. Phía Việt Nam vẫn đang chọn giải pháp tố ưu để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của chúng ta.

Trực tuyến họp báo quốc tế về biển Đông
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao, ông Lê Hải Bình - Ảnh: Nguyễn Tuấn

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản): Vừa qua trong các lãnh đạo cấp cao các nước thuộc nhóm G7 đã thể hiện quan ngại sâu sắc về tình hình đang diễn ra ở biển Đông và biển Hoa Đông và yêu cầu các bên liên quan làm rõ, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp quốc tế? Quan điểm của Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Chúng tôi hoan ngênh các lãnh đạo G7 có quan ngại sâu sắc về tình hình diễn ra tại biển Đông, phản đối hành động đơn phương của 1 nước đòi yêu sách chủ quyền bằng việc sử dụng vũ lực. Chúng tôi mong muốn các quốc gia tổ chức có tiếng nói, hành động thiêt thực đảm bảo an ninh để giải quyết tranh chấp quốc tế.

Phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam: Kể từ xảy ra khủng hoảng, giữa Việt Nam và Trung Quốc sử dụng đường dây nóng nhiều cấp độ nhưng Trung Quốc chưa có động thái nhượng bộ. Tại hội thảo Washington (Mỹ) hôm qua nhiều quan chức quốc tế nhận định đường dây nóng hoạt động không hiệu quả và có cảm giác như bị chết. Quan điểm của Bộ Ngoại giao Việt Nam như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ hoạt động hiệu quả nếu cả 2 bên thiện chí giải quyết tranh chấp. Việt Nam nỗ lực nhiều cấp giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc đều bác bỏ không chấp nhận.

Phóng viên báo điện tử vnexpress.net: Trước việc giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, dấy lên lo ngại cái gọi là sự trỗi dậy hòa bình, xin ông Trần Duy Hải bình luận về vấn đề này?

Ông Trần Duy Hải: Những việc làm của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua gây hấn với láng giềng là làm xấu chính hình ảnh của Trung Quốc, gây bất bình trong cộng đồng chung quốc tế. Điều này cho thấy đường lối ngoại giao của Trung Quốc nói là hòa bình nhưng thực chất là không phải. Trung Quốc đang sử dụng bạo lực để ngoại giao, không thể tin lời nói suông của Trung Quốc.

Đúng 17 giờ 20 phút, buổi họp báo quốc tế kết thúc, muộn 20 phút so với dự kiến.

Lê Quân - Nguyễn Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.