Trung Quốc đẩy mạnh giáo dục nhận thức về an ninh quốc gia trong nỗ lực phòng chống hoạt động gián điệp nhằm vào nước này.
Áp phích giáo dục công dân cảnh giác với “mỹ nam kế” của gián điệp - Ảnh: Inquirer |
Trong một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc gia tăng các biện pháp chống gián điệp và các mối đe dọa an ninh khác, Bắc Kinh đã tuyên án tử hình đối với một cựu kỹ thuật viên máy tính vì tội bán 150.000 tài liệu mật cho các cơ quan tình báo nước ngoài, theo báo đài địa phương.
Kinh doanh bí mật
Trong một phóng sự đặc biệt dài 15 phút, Đài CCTV ngày 19.4 cho hay bị cáo Hoàng Vũ, 42 tuổi, từng làm việc cho một viện nghiên cứu mật mã ở thành phố Thành Đô (Tứ Xuyên) từ năm 1997 - 2004.
Vào năm 2002, Hoàng được thông báo sẽ bị sa thải vì không đáp ứng được nhu cầu công việc. Trong cơn giận dữ, Hoàng viết thư điện tử gửi cho một cơ quan tình báo nước ngoài với nội dung chào bán các thông tin mật mà ông ta thu thập được trong quá trình công tác. Vào tháng 6 cùng năm, Hoàng bay đến một quốc gia Đông Nam Á để gặp “đối tác” tại một khách sạn không được nêu tên.
Trong cuộc gặp bí mật lần đó, ông ta cung cấp 3 tài liệu điện tử chứa bí mật quân sự cho đại diện cơ quan tình báo ngoại quốc và nhận 10.000 USD. Nhân vật này cũng hứa sẽ trả Hoàng mỗi tháng 5.000 USD nếu tiếp tục tuồn thêm tài liệu mật. Kể từ đó, Hoàng thường xuyên bay đến các nước Đông Nam Á và Hồng Kông, dưới danh nghĩa tham dự hội họp, nhưng trên thực tế lại vụng trộm gặp gỡ với phía tình báo ngoại quốc.
Trước khi bị bắt vào năm 2011, Hoàng đã tuồn hơn 150.000 tài liệu, bao gồm 90 tài liệu tối mật, và được trả công hơn 700.000 USD để tiết lộ đủ dạng thông tin từ bí mật của đảng Cộng sản Trung Quốc, đến các vấn đề tài chính và quân sự, theo CCTV. Sau khi bị sa thải vào năm 2004, Hoàng hết đường tiếp cận tài liệu mật nên tìm cách thu thập thông qua người vợ họ Đường và anh rể họ Tân, vốn cũng làm việc trong các cơ quan liên quan đến an ninh.
Chính những chuyến du lịch thường xuyên và thói quen phô trương sự giàu có đã khiến Hoàng lọt vào tầm ngắm của lực lượng điều tra trước khi bị bắt giữ cách đây 5 năm. Ngoài án tử của Hoàng, vợ và anh rể của ông ta cũng lần lượt bị tuyên án 5 và 3 năm tù giam vì bất cẩn trong việc bảo vệ bí mật quốc gia. Báo đài Trung Quốc không tiết lộ danh tính các cơ quan tình báo nước ngoài từng hợp tác với bị cáo trên mà chỉ cho biết thiệt hại do các vụ bán tài liệu gây ra là “không thể đo đếm”.
|
Bẫy tình
Án tử hình của Hoàng Vũ đánh dấu lần đầu tiên trong 8 năm qua có một công dân Trung Quốc phải đổi mạng vì tội làm gián điệp. Vào năm 2008, một nhà nghiên cứu y sinh và họ hàng xa của ông này đã lãnh mức án cao nhất với cáo buộc tuồn thông tin mật cho Đài Loan.
Để tăng cường nhận thức của người dân về vấn đề an ninh quốc gia, Trung Quốc đã chọn ngày 15.4.2016 là ngày Giáo dục an ninh quốc gia đầu tiên, theo luật An ninh quốc gia được thông qua hồi tháng 7.2015.
Nhân dịp này, giới hữu trách đã dán áp phích với nội dung cảnh báo các nữ cán bộ, công chức, viên chức của Trung Quốc cần phải đặc biệt cảnh giác khi hẹn hò với đàn ông điển trai có quốc tịch ngoại quốc.
Áp phích gồm 16 ô có nhan đề “Tình yêu nguy hiểm”, kể về câu chuyện của một nữ viên chức nhà nước có tên Tiểu Lý, người vô tình chạm trán một thanh niên nước ngoài tại một bữa tiệc tối và hai người nảy sinh tình cảm. Nhân vật nam, tên David, tự xưng là học giả được mời đến thỉnh giảng tại Trung Quốc, nhưng trên thực tế lại là điệp viên nước ngoài.
Trong men say tình ái và choáng váng trước những lời tỏ tình đầy đường mật, các cử chỉ ga lăng, quà cáp hoa hòe các loại của David, Tiểu Lý vô ý tiết lộ các tài liệu nội bộ cho người yêu. Cuối cùng hai người đã bị bắt.
Cùng với hoạt động tuyên truyền trên, chính quyền Bắc Kinh cũng thiết lập đường dây nóng chống gián điệp. Và cách đây 2 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký ban hành luật phản gián với mục tiêu xoáy vào các công tác theo dõi gián điệp nước ngoài và các công dân tiếp tay những đối tượng này.
Trong những năm gần đây, không ít những trường hợp tương tự vụ án của Hoàng Vũ được báo chí Trung Quốc thông tin. Vào năm 2012, một người đàn ông họ Đường đã bị tuyên án 15 năm tù vì tiết lộ bí mật quân sự cho các tổ chức ngoại quốc để đổi lấy 30.000 USD. Trước khi bị tóm, Đường đã ẩn núp trong một bộ chỉ huy quân sự địa phương suốt hơn 6 năm dưới vỏ bọc là người giao hàng. Báo chí trong nước loan tin người này từng được huấn luyện đặc biệt tại một quốc gia Đông Nam Á vào năm 2005.
Trong một vụ khác, một doanh nhân họ Thẩm đã lãnh án 17 năm tù giam vào năm 2009 sau khi cung cấp thông tin hết sức chi tiết về chuyện mời thầu tham gia dự án điện hạt nhân cho các công ty nước ngoài.
Vào tháng 11.2014, một thanh niên hơn 20 tuổi họ Liêu đã ra đầu thú cảnh sát sau khi phát hiện mình vô tình phạm pháp với việc gửi các hình ảnh chụp hoạt động của hải quân cho nước ngoài.
Trong quá trình tìm việc trên mạng, Liêu quen một người nước ngoài, và tiếp tay cho người này thu thập bí mật quân sự của Trung Quốc bằng cách chụp ảnh các cảng quân sự và tài sản hải quân ở Trạm Giang, thành phố ven biển ở phía tây Quảng Đông.
Truyền thông Trung Quốc cho hay có nhiều tài xế taxi, sinh viên và thậm chí cả chủ nhà hàng đã được các cơ quan tình báo nước ngoài trả công để chụp ảnh các cơ sở quân sự hoặc đánh cắp bí mật thương mại.
|
Bình luận