|
Thông cáo của CNPC nói rằng công ty này đã bắt đầu khoan thăm dò 2 giếng dầu tại khu vực này từ đầu tháng 5 và kết thúc hoạt động thăm dò ở hai giếng này vào các ngày 27.5 và 15.7. CNPC cho biết đã "phát hiện các dấu hiệu của dầu mỏ và khí đốt" tại đây và sẽ "đánh giá dữ liệu thu thập được" để "quyết định về bước đi tiếp theo".
Theo CNPC, giàn khoan thăm dò tại khu vực trên do công ty Dịch vụ dầu khí Trung Quốc cung cấp sẽ được tái bố trí cho các hoạt động tại quần đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Giàn khoan của CNPC đã tiến hành khoan thăm dò bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận thế giới.
Giàn khoan Hải Dương-981 theo dự kiến sẽ được kéo sang địa điểm thuộc một dự án mang tên Hải Nam Lăng Thủy, Tân Hoa xã cho biết.
Tuy nhiên, Tân Hoa xã không nói rõ ngày di chuyển hoặc vị trí mới của giàn khoan này. Lăng Thủy là tên của một huyện duyên hải thuộc đảo Hải Nam, cực nam Trung Quốc.
Tân Hoa xã cũng dẫn thông báo từ CNPC cho biết đã phát hiện dấu hiệu của dầu và khí đốt trong quá trình khoan, nhưng cũng không nói rõ số lượng ước tính của nguồn tài nguyên này.
“Công ty sẽ đánh giá dữ liệu thu thập được và sẽ có quyết định tiếp theo”, theo thông báo của CNPC.
* Trao đổi với Thanh Niên Online lúc 8 giờ sáng nay 16.7, ông Hà Lê, Cục phó Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác nhận, 21 giờ ngày hôm qua 15.7, các tàu hộ tống Trung Quốc bắt đầu di chuyển giàn khoan Hải Dương-981. Tốc độ di chuyển khoảng 3 - 4 hải lý/giờ.
Cho đến sáng nay, giàn khoan này đã di chuyển cách vị trí cũ khoảng 30 - 40 hải lý, theo hướng giữa bắc và tây tây bắc về phía đảo Hải Nam của Trung Quốc.
Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư, đến sáng nay, các nhóm tàu bảo vệ giàn khoan trước đó đã không còn xuất hiện trong vùng biển hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981.
Các tàu cá của ngư dân Việt Nam đang di chuyển về bờ để tránh bão Rammasun theo yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương.
Đại tá Ngô Ngọc Thu, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cũng xác nhận Trung Quốc đang di chuyển giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Ông Thu cho biết thêm dù giàn khoan Hải Dương-981 đang di chuyển dần nhưng các lực lượng của ta vẫn đang duy trì hoạt động thực thi pháp luật tại vùng biển Hoàng Sa.
CNPC đã tiến hành khoan thăm dò bất hợp pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Việt Nam và dư luận thế giới. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã huy động nhiều tàu và máy bay quân sự để bảo vệ giàn khoan và các hành động hung hăng, khiêu khích như chủ động đâm, va tàu cá và các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Việc Trung Quốc tiến hành hoạt động hạ đặt giàn khoan thăm dò dầu trái phép nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế, Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc; không phù hợp với tinh thần DOC, gây căng thẳng và phức tạp tình hình ở Biển Đông. |
Hoàng Uy - Phan Hậu - Lê Quân
>> Tàu cá TQ rút khỏi khu vực giàn khoan
>> Tàu cá Trung Quốc bảo vệ giàn khoan rút về đảo Hải Nam tránh bão
>> Phóng viên Mỹ vạch trần sự hung tợn của tàu Trung Quốc tại nơi đặt giàn khoan Hải Dương-981
>> Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan
>> Trung Quốc tăng tàu bảo vệ giàn khoan
Bình luận (0)