Trung Quốc dọa bỏ tù ngư dân ở Biển Đông

03/08/2016 07:32 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo quy định mới của Tòa án tối cao Trung Quốc về quyền tài phán trên biển của nước này có thể đẩy căng thẳng leo thang.

Ngày 2.8, Tòa án nhân dân tối cao (SPC) của Trung Quốc ban hành quy định giải thích nhằm làm rõ quyền tài phán đối với những vùng biển mà nước này tự nhận là có quyền quản lý. Theo quy định, những vùng biển có quyền tài phán không chỉ bao gồm vùng nội thủy, lãnh hải mà còn cả những khu vực như vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
“Quyền tài phán là yếu tố quan trọng trong chủ quyền quốc gia. Các tòa án nhân dân sẽ thực thi quyền tài phán trong phạm vi lãnh hải của Trung Quốc nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và những lợi ích hàng hải của Trung Quốc”, SPC nhấn mạnh.
Động thái gây lo ngại
Tân Hoa xã dẫn nội dung quy định, có hiệu lực từ ngày 2.8, cho hay những người xâm nhập trái phép cái gọi là lãnh hải Trung Quốc và từ chối rời khỏi sau khi bị đẩy đuổi, hoặc những người vào lại sau khi bị đuổi hoặc bị phạt trong năm trước, sẽ bị xem là vi phạm tội hình sự “nghiêm trọng” và sẽ bị phạt, bị bắt giam, giám sát hoặc bỏ tù tối đa một năm.
Cách diễn giải này nhiều khả năng nhằm tạo “cơ sở” để Bắc Kinh đối phó với các chiến dịch tự do hàng hải mà Mỹ từng nhiều lần thực hiện ở Biển Đông. Theo đó, tàu Mỹ được triển khai áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở khu vực. Hình phạt nêu trên cũng áp dụng cho những người vào “lãnh hải Trung Quốc” để đánh bắt, dù chưa thực hiện hành vi “đánh bắt trái phép” theo luật.
Quy định còn khẳng định rằng các công dân Trung Quốc hoặc nước ngoài sẽ bị truy tố hình sự nếu đánh bắt trái phép trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.
Quy định nói trên được ban hành không lâu sau khi Tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) đưa ra phán quyết bác bỏ giá trị pháp lý của “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc tự vẽ ra tại Biển Đông. Mặc dù không nhắc đến phán quyết trong thông cáo, nhưng SPC khẳng định quy định về cách diễn giải mới được dựa trên luật pháp Trung Quốc và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), đồng thời nhấn mạnh nó cung cấp cơ sở pháp lý rõ ràng để Trung Quốc bảo vệ trật tự, an toàn và lợi ích biển, thực hiện quản lý đối với những “vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia”.
Quy định không nói rõ những vùng biển nào là thuộc quyền tài phán của Trung Quốc, nhưng một quan chức chịu trách nhiệm giải thích các vấn đề liên quan của SPC hôm qua 2.8 ngang nhiên tuyên bố với Tân Hoa xã rằng quyền tài phán của nước này đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, bãi cạn Scarborough, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam cùng những vùng biển lân cận “không bị gián đoạn”.
Sau phán quyết của Tòa trọng tài, ngư dân Philippines vẫn bị Trung Quốc cản trở không được đánh bắt tại ngư trường truyền thống của họ ở bãi cạn Scarborough Reuters
Nhận định về quy định mới của SPC, Giáo sư luật Michael C.Davis tại Đại học Hồng Kông cho CNN hay đó là động thái “gây lo lắng”. Ông nói rõ: “Đây là một dạng tuyên bố đáng quan ngại rằng họ sẽ truy tố những người vào vùng biển Trung Quốc tuyên bố chủ quyền”. Giáo sư Davis còn cảnh báo quy định có thể báo trước rằng những ngư dân Philippines hoạt động trong vùng biển mà Tòa trọng tài vừa phán quyết thuộc nước này có thể bị các tàu Trung Quốc trấn áp và “bị khởi tố một cách trái ngược với phán quyết”.
Thách thức luật pháp quốc tế
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên chiều qua 2.8 về động thái mới của Trung Quốc, TS Trần Thăng Long thuộc Khoa Luật quốc tế của Trường đại học Luật TP.HCM nhận định việc SPC đưa ra giải thích như trên đặt trong bối cảnh phán quyết của Tòa trọng tài có hiệu lực pháp lý buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm thi hành là một hành động có chủ ý, không những là sự tiếp nối của các hành vi ngang ngược trước giờ của nước này trên Biển Đông mà còn thể hiện sự thách thức đối với pháp luật quốc tế, sự phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài trong vụ kiện vừa qua.
Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thực hiện nhiều hành động ngang ngược và hung hăng, từ việc ban hành lệnh cấm đánh bắt hằng năm, sử dụng các đội tàu cá vũ trang trá hình đến việc sử dụng các biện pháp bạo lực đối với ngư dân Việt Nam và các nước. “Các hành động của nhà nước Trung Quốc, bao gồm quy định của chính phủ về các luật lệ trái phép hay việc Tòa án tối cao của nước này đưa ra những giải thích như vậy về mặt luật pháp quốc tế, đều không có cơ sở”, TS Long nói.
Tàu cá của Trung Quốc cũng đang 'tác oai tác quái' trên nhiều vùng biển xa AFP
Về cách hành xử của ngư dân trước động thái trên của Trung Quốc, chuyên gia này cho rằng: “Trên thực tế, các ngư dân Việt Nam tiếp tục thực hiện việc đánh bắt trên các vùng biển truyền thống là chính đáng và hợp pháp theo luật quốc tế, nhưng rõ ràng các ngư dân Việt Nam luôn gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm khi đương đầu với các lực lượng chấp pháp của Trung Quốc vốn hành động rất hung hãn, phi nhân đạo. Chính vì vậy, không những phải cương quyết đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt hơn về mặt ngoại giao mà nhà nước cũng cần tăng cường các biện pháp cụ thể hơn nhằm bảo vệ ngư dân trên thực địa và có những hỗ trợ cần thiết, kịp thời. Trên cơ sở kinh nghiệm từ vụ kiện này (giữa Philippines và Trung Quốc - NV), nhà nước có thể xem xét khi cần thiết sử dụng các cơ chế tài phán để khởi kiện Trung Quốc tại một cơ chế tương tự, trong đó các hành vi của Trung Quốc là một nội dung có thể được xem xét. Chính vì vậy, những vấn đề về thu thập, lưu giữ chứng cứ, bằng chứng của các hành vi đó của Trung Quốc cần được lưu ý”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.