Trung Quốc dùng AI sàng lọc trẻ sơ sinh bị rối loạn di truyền

Thanh Lương
Thanh Lương
12/11/2019 17:39 GMT+7

Các nhà khoa học Trung Quốc đã phát triển một phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giúp sàng lọc trẻ sơ sinh bị rối loạn di truyền thông qua việc quét khuôn mặt em bé.

Tờ South China Morning Post hôm 12.11 dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu của Trung tâm y tế trẻ em và Trung tâm nhi khoa Thượng Hải, Trung Quốc cho biết đã phát triển thành công phần mềm hỗ trợ sàng lọc rối loạn di truyền đầu tiên được ứng dụng công nghệ AI, có thể phát hiện hơn 100 loại bệnh, chỉ thông qua việc quét các đặc điểm trên khuôn mặt em bé.
Phần mềm sẽ đối chiếu các đặc điểm trên mặt, thông qua ảnh chụp hoặc video quay trẻ, với hồ sơ y tế có sẵn, từ đó đưa ra chẩn đoán ban đầu.
Hiện tại, công cụ mới này đã được thử nghiệm tại Thượng Hải. Các chuyên gia kỳ vọng nó sẽ giúp giảm tỉ lệ sai sót cho các cách chẩn đoán truyền thống.
Rối loạn di truyền là các bệnh xảy ra trên trẻ sơ sinh do những bất thường về gen hoặc nhiễm sắc thể. Những thể rối loạn thường gặp nhất là mù màu, rối loạn về máu, dị tật thừa hoặc thiếu ngón tay, chân,... Việc phát hiện sớm và tích cực điều trị sẽ giúp cải thiện đáng kể các tình trạng bệnh.
Hiện nay, nhiều công ty lớn của Trung Quốc đang nỗ lực ứng dụng AI vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tháng 7 năm nay, tập đoàn bảo hiểm Ping An (trụ sở đặt tại Thâm Quyến, Trung Quốc) đã ra mắt AskBob - một công cụ hỗ trợ tầm soát y tế ứng dụng AI có thể phát hiện và điều trị hơn 1.500 bệnh với tỉ lệ chính xác cao.
Công nghệ AI cũng được đưa vào sử dụng trên toàn Trung Quốc để dự đoán dịch cúm, tầm soát các bệnh mãn tính và chẩn đoán ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.