Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý

09/05/2014 10:05 GMT+7

(TNO) Các chuyên gia và các nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam là nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông.

(TNO) Các chuyên gia và các nguồn tin trong ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của Việt Nam là vì mục đích chính trị.


Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất cao phun nước vào tàu Cảnh sát biển Việt Nam - Ảnh do Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp

Ngày 9.5, Reuters dẫn lời các nguồn tin từ ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc cho rằng Trung Quốc ngày 2.5 đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam là nhằm mục đích chính trị, chứ không vì mục đích thương mại.

“Đây phản ánh ý định của chính quyền và nó cũng có liên quan đến chiến lược của Mỹ ở châu Á”, trước đó, một quan chức giấu tên của ngành dầu mỏ Trung Quốc đã nói với Reuters.

Wu Shicun, Chủ tịch Học viện quốc gia về nghiên cứu biển Đông, cho Reuters biết chính quyền Trung Quốc sẽ tiếp tục kế hoạch đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam.

“Tôi nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không dừng lại, mặc cho Việt Nam nói và làm gì bất kỳ điều gì”, ông Wu nói với Reuters.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online, tiến sĩ James Holmes thuộc Trường Chiến tranh Hải quân - Mỹ, nhận định rằng: "Trung Quốc luôn có tham vọng viết lại luật pháp quốc tế nhằm phục vụ cho những tuyên bố chủ quyền của mình”.

“Nếu sức kháng cự, chống đối của các nước nhỏ hơn không đủ mạnh, những luật lệ Bắc Kinh tự đặt ra sẽ vô hình trung dần dà được thừa nhận. Tôi không tin luật pháp quốc tế hiện nay công nhận những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh luôn có tham vọng tạo riêng cho mình một vùng ngoại lệ", theo ông Holmes.


Giàn khoan biển sâu "khủng" của Trung Quốc - Ảnh: Tân Hoa xã

Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu theo dõi tình hình an ninh khu vực, tin rằng: “Những hành động của Trung Quốc diễn ra ngay trước thềm Hội nghị ASEAN tại Myanmar sẽ khiến vấn đề biển Đông trở thành chủ đề số một trong nghị trình”.

Ông Ian Storey, nhà phân tích an ninh khu vực thuộc Học viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore, cho rằng căng thẳng ở biển Đông liên quan đến giàn khoan Trung Quốc sẽ kéo dài thêm nhiều tháng tới và Việt Nam sẽ không lùi bước trước Trung Quốc.

Ông Ian Storey cũng nhận định "sẽ không có một lộ trình đàm phán dễ dàng giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Việt Nam đã chính thức phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Còn Bắc Kinh ngang ngược nói giàn khoan nằm trong vùng biển của Trung Quốc.

Biển Đông ước tính có 23 - 30 tỉ tấn dầu mỏ và 16 nghìn tỉ m3 khí đốt tự nhiên, nhưng vẫn chưa được thăm dò hết, theo Reuters.

Giàn khoan HD-981 được biết với cái tên Haiyang Shiyou-981, gọi theo tiếng Việt là Hải Dương-981 (HD-981), chính thức được Trung Quốc đưa vào hoạt động vào ngày 9.5.2012 và là giàn khoan biển sâu “khủng” đầu tiên do Trung Quốc sản xuất , theo Tân Hoa xã.

“Những giàn khoan biển sâu lớn là lãnh thổ quốc gia di động và vũ khí chiến lược của chúng tôi trong việc xúc tiến phát triển ngành công nghiệp dầu mỏ xa bờ”, chủ tịch Wang Yilin của tập đoàn sở hữu giàn khoan biển sâu này từng tuyên bố vào năm 2012.

Hãng tin Bloomberg hồi năm 2012 cũng đã đăng tải một bài viết, nhận định giàn khoan HD-981 là một thứ vũ khí chiến lược nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, nuốt trọn gần cả biển Đông.

Phúc Duy

>> Dư luận nước ngoài quan ngại hành vi 'gây hấn' của Trung Quốc ở biển Đông
>> Đâm tàu Việt Nam, Trung Quốc ngang nhiên nói không có 'đụng độ
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel kêu gọi 'tránh căng thẳng ở biển Đông
>> Mỹ quan ngại hành vi dọa nạt 'nguy hiểm' của tàu Trung Quốc trên biển Đông
>> Trung Quốc cài hệ thống phát hiện tàu ngầm sát Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.