Theo tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) ngày 22.10, các nhà khoa học Trung Quốc đã thành công trong việc cài đặt 4 thiết bị theo dõi dưới nước ở vùng biển chỉ cách căn cứ tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Mỹ khoảng 300 km tại Thái Bình Dương. Những thiết bị này, được tích hợp các cảm biến công nghệ cao nhằm theo dõi môi trường trong lòng biển, đã kết nối với Mạng lưới đại dương Canada (ONC) và bắt đầu đi vào hoạt động hết công suất. ONC là hệ thống trạm quan sát hải dương có phạm vi trải dài từ vùng đông bắc Thái Bình Dương đến Bắc cực và do Đại học Victoria của Canada quản lý. Trong khi đó, các thiết bị nói trên là tài sản của Viện Khoa học và công trình biển sâu Tam Á, một đơn vị của Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc.
Từ cuối tháng 6, lực lượng tuần duyên Canada đã triển khai tàu lặn không người lái để gắn những thiết bị của Trung Quốc tại khu vực eo biển Juan de Fuca ở tây bắc Thái Bình Dương. Đây là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất trên thế giới. Cách đó 300 km về phía nam là căn cứ hải quân Kitsap, một trong 2 cơ sở hạt nhân chiến lược của Mỹ. Kitsap có xưởng đóng tàu ngầm hạt nhân và có ụ tàu duy nhất ở bờ biển phía tây nước Mỹ có khả năng tiếp nhận sửa chữa tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz.
Trong khi đó, ONC xác nhận các thiết bị của Trung Quốc sản xuất đã được kết nối vào mạng lưới nhưng không tiết lộ thêm về mục đích và cách thức sử dụng thông tin thu thập được. Theo Đài CBS, dù là cơ sở nghiên cứu khoa học nhưng ONC cũng có hợp đồng quốc phòng giúp quân đội Canada theo dõi tình hình vùng biển Bắc Băng Dương.
Hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của quân đội Trung Quốc vào dự án này, nhưng trang Business Times dẫn lời một số nhà quan sát nhận định các dữ liệu về môi trường biển có giá trị đối với các nhà nghiên cứu dân sự lẫn quân sự. Thông tin từ 4 thiết bị nói trên có thể được truyền về trung tâm kiểm soát tại Tam Á trên đảo Hải Nam và giúp Trung Quốc hiểu sâu hơn về môi trường của vùng biển chiến lược nằm gần Mỹ.
Hôm qua, Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về những thông tin trên, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng chắc chắn nước này phải làm việc với đồng minh Canada để tìm hiểu rõ bản chất sự việc.
“Các hệ thống quan sát biển sâu là vấn đề đặc biệt nhạy cảm với an ninh quốc gia”, nhà nghiên cứu Trần Hồng Cao thuộc Đại học Nghiên cứu quốc tế Quảng Đông nói với SCMP. Theo ông, quyết định của Canada cho phép Trung Quốc tham gia mạng lưới giám sát phải đến từ giới lãnh đạo cấp cao và “không thể đơn thuần chỉ nhằm nghiên cứu khoa học”.
Bình luận (0)