Trung Quốc gây chú ý liên quan chiến sự Ukraine

20/02/2023 06:00 GMT+7

Châu Âu tiếp tục chứng kiến chia rẽ nội bộ vì chiến sự trong khi Trung Quốc được chú ý với thông báo về một kế hoạch hòa bình.

Chia rẽ trong EU

Theo Reuters, Liên minh Châu Âu (EU) đang khẩn trương tìm cách để các nước thành viên hợp tác mua đạn dược trợ giúp Ukraine, sau khi Kyiv nói rằng lực lượng của họ đang cần được tiếp tế một cách nhanh chóng. Các ngoại trưởng EU dự kiến sẽ thảo luận về ý tưởng mua sắm chung đạn pháo 155 mm - loại đạn mà Kyiv đang rất cần - tại cuộc họp ở Brussels (Bỉ) vào ngày 20.2.

Xem nhanh: Chiến dịch Nga ngày 360, NATO vất vả tìm xe tăng cho Ukraine, Mỹ cảnh báo Trung Quốc

Giới chức EU cho rằng cách tiếp cận tập thể sẽ hiệu quả hơn việc từng nước mua sắm riêng lẻ. Trả lời báo giới bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức hôm 18.2, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen nói bà tin tưởng rằng tình hình cấp bách sẽ thuyết phục các thành viên EU tạm thời gác lại ưu tiên mua vũ khí ở cấp độ quốc gia lâu nay để chung tay hỗ trợ Ukraine. "Chúng tôi thấy rằng chúng tôi có thể dời non lấp biển dưới áp lực", bà nói.

Trung Quốc gây chú ý liên quan chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine ở thành phố tiền tuyến Vuhledar hôm 18.2

Reuters

Tuy nhiên, sự đoàn kết của EU vấp phải thách thức từ những thành viên như Hungary, một nước phụ thuộc chặt chẽ vào Nga về dầu mỏ và khí đốt. Thủ tướng nước này, Viktor Orban, hôm 18.2 cảnh báo châu Âu đang "gián tiếp tham chiến chống Nga", tái khẳng định chính phủ của ông sẽ không gửi vũ khí cho Kyiv hay cắt đứt quan hệ kinh tế với Moscow.

Trong một diễn biến khác, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông muốn Moscow thua cuộc ở Ukraine nhưng chưa bao giờ muốn "nghiền nát" nước Nga. Ông Macron vốn đã nhận về chỉ trích từ một số đồng minh trong NATO vì những thông điệp trái ngược liên quan đến xung đột và Paris thậm chí từng bị xem là mắt xích yếu trong liên minh phương Tây ủng hộ Ukraine. Đáp lại phát biểu của nhà lãnh đạo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19.2 cáo buộc ông "ngoại giao hai mặt" với Moscow.

EU đặt mục tiêu tăng tốc sản xuất đạn dược cho Ukraine

Vai trò của Trung Quốc

Chiến sự Ukraine đã phủ bóng Hội nghị An ninh Munich, diễn đàn quy tụ nhiều lãnh đạo chính phủ, sĩ quan quân đội và quan chức ngoại giao trên toàn cầu. Một sự kiện được theo dõi sát sao bên lề hội nghị là cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra hôm 18.2.

Theo The New York Times, hai bên đã có một cuộc trao đổi "căng thẳng", trong đó ông Blinken cảnh báo quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc rằng Bắc Kinh không nên "hỗ trợ vật chất" cho Moscow. Song đáng chú ý hơn nữa là khi trả lời phỏng vấn của NBC News sau đó, ông Blinken cho biết Mỹ "rất quan ngại" về việc Trung Quốc đang cân nhắc cung cấp "hỗ trợ mang tính sát thương" cho Nga. "Tôi đã nói rõ (với ông Vương Nghị) rằng việc đó sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong quan hệ của chúng ta", ông Blinken nói. Ngoại trưởng Mỹ không nói chi tiết về thông tin tình báo làm cơ sở cho những lo ngại của Washington nhưng cho biết sẽ sớm hé lộ thêm thông tin.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc liên quan xung đột Nga-Ukraine

Trong một diễn biến khác, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc dự kiến tuần này sẽ công bố kế hoạch hòa bình cho Nga và Ukraine, sau khi đã tham vấn Đức, Ý và Pháp. Nhà ngoại giao nói kế hoạch này sẽ nhấn mạnh sự cần thiết của việc duy trì các nguyên tắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng đồng thời cũng cần tôn trọng các lợi ích an ninh hợp pháp của Nga.

Các nhà lãnh đạo phương Tây hoan nghênh nhưng tỏ ra thận trọng trước động thái của Trung Quốc. "Là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Trung Quốc có nghĩa vụ sử dụng ảnh hưởng của mình để đảm bảo hòa bình thế giới", The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock. 

Ukraine sẽ được phương Tây cung cấp chiến đấu cơ nào?

Ukraine thúc ép nghị sĩ Mỹ về cung cấp tiêm kích F-16

Reuters ngày 19.2 dẫn một số nguồn tin cho hay bên lề Hội nghị An ninh Munich ở Đức vào cuối tuần qua, các quan chức Ukraine, bao gồm Ngoại trưởng Dmytro Kuleba, đã tiếp xúc và trao đổi với các nghị sĩ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, cũng như đến từ cả thượng viện và hạ viện Mỹ. Theo đó, phía Ukraine khẳng định muốn có những chiếc chiến đấu cơ F-16 để "áp chế hệ thống phòng không của đối phương nhằm tung máy bay không người lái của họ xa hơn về phía tiền tuyến của Nga".

Tháng trước, Tổng thống Biden đã nói "không" khi được hỏi liệu ông có chấp thuận yêu cầu của Ukraine về những chiếc F-16 do Lockheed-Martin sản xuất hay không.

Thời gian qua, không quân Ukraine đã điều chỉnh tên lửa không đối đất AGM-88 HARM do Mỹ sản xuất để có thể bắn từ các máy bay chiến đấu MiG-29 do Liên Xô thiết kế. Song Ukraine cho rằng các phi công của họ có thể tấn công các đơn vị tên lửa phòng không S-300 và S-400 của Nga hiệu quả hơn bằng AGM-88 nếu tên lửa được phóng đi bằng hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn trên F-16.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.