Trung Quốc giở trò cắt lát salami để độc chiếm Biển Đông

01/09/2021 06:30 GMT+7

Phối hợp tàu cá dân binh, sức mạnh quân sự , lực lượng chấp pháp như hải cảnh, Trung Quốc tự đặt ra các quy định để dần dần thâu tóm Biển Đông.

Như Thanh Niên đã thông tin, từ hôm nay (1.9), chính quyền Trung Quốc áp dụng quy định mới về an toàn hàng hải. Theo đó, người điều khiển các loại tàu thuyền như tàu có thể lặn, tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, tàu chở vật liệu phóng xạ, tàu chở hóa chất, khí hóa lỏng... đều phải khai báo khi hoạt động ở “lãnh hải” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Muốn xóa bỏ luật biển quốc tế?

Trả lời Thanh Niên hôm qua (31.8), TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) đặt ra 2 vấn đề xung quanh động thái trên của Trung Quốc.

“Thứ nhất, cần theo dõi cách Trung Quốc xác định “lãnh hải” để áp dụng quy định trên. Đó có phải là lãnh hải như được định nghĩa trong luật biển quốc tế, cụ thể là một vành đai kéo dài 12 hải lý ngoài khơi, hay Trung Quốc đang cố gắng mở rộng vùng biển trên khắp các vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền bằng cách tính tất cả không gian nằm trong bản đồ “đường lưỡi bò”? Vấn đề nằm ở chỗ không rõ ràng này”, ông phân tích và lo ngại: “Thực tế, Bắc Kinh tuyên bố các vùng biển trong bản đồ “đường lưỡi bò” là của nước này, đồng thời yêu sách các đặc quyền tương tự các quốc gia ven biển thực hiện trong lãnh hải”.

Điểm thứ 2 theo TS Holmes là có vẻ như Trung Quốc đang muốn thể hiện lập trường cứng rắn lập trường về chủ quyền trên biển. Ông nhận định trên thực tế, Bắc Kinh đang khẳng định các tàu thuyền nước ngoài không được phép đi vào lãnh hải nếu chưa xin phép. “Điều đó mâu thuẫn với luật biển quốc tế quy định về quyền “đi lại vô tội” qua lãnh hải. Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) quy định rõ ràng rằng tàu thuyền nước ngoài không cần xin phép hoặc thông báo trước cho chính quyền quốc gia ven biển trước khi thực hiện quyền đi lại vô hại”, TS Holmes lo ngại.

Vì vậy, theo ông, việc Trung Quốc đưa ra quy định an toàn hàng hải mới từ ngày 1.9 dường như là động thái mới nhất của những nỗ lực lâu dài nhằm xóa bỏ luật biển trong vùng biển. TS Holmes cho rằng Trung Quốc đang làm rất tinh vi để trông “có vẻ hợp lý”.

Nhiều khả năng, đây là cách để Trung Quốc ngăn cản tàu quân sự của các nước hoạt động hợp pháp ở Biển Đông, khiến tình hình khu vực ngày càng căng thẳng.

Từng bước kiểm soát

Như vậy chỉ trong năm nay, Trung Quốc đã có 2 động thái nhằm tăng quyền kiểm soát trên Biển Đông. Hồi đầu năm, Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới cho phép khi cần thì lực lượng này nổ súng nhằm vào tàu nước ngoài hoạt động ở vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.

Đối với cả 2 động thái, giới chuyên gia quốc tế đều lo ngại Trung Quốc sẽ viện dẫn các luật và quy định trên ở các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, ngay cả khi tuyên bố chủ quyền không được cộng đồng quốc tế công nhận, cụ thể như Biển Đông.

Kèm theo đó, thời gian qua, Bắc Kinh còn triển khai 3 lực lượng để tăng cường hoạt động trên Biển Đông. Cụ thể, 3 lực lượng bao gồm: lực lượng dân binh trên biển (PAFMM), lực lượng hải cảnh và cuối cùng là hải quân.

Trong đó, PAFMM phụ trách quấy rối tàu các nước. Thực tế, lực lượng tàu cá dân binh của Trung Quốc thường xuyên quấy rối các tàu cá Việt Nam đang hoạt động hợp pháp ở vùng biển chủ quyền nước nhà. Từ đó, Bắc Kinh tìm cách thiết lập “vùng xám” xâm lấn vùng biển chủ quyền của các nước, trong đó có Việt Nam.

Tàu dân binh của Trung Quốc thường xuyên có hoạt động quấy rối ở Biển Đông

Ảnh: TL

Hỗ trợ cho PAFMM là lực lượng hải cảnh để can thiệp khi bị tàu công vụ nước khác xử lý. Nhiều tàu hải cảnh của Trung Quốc đang được trang bị vũ khí hỏa lực mạnh để thị uy và đe dọa tàu công vụ lẫn tàu cá, tàu thương mại các nước.

Không những vậy, tàu hải cảnh Trung Quốc còn sẵn sàng đâm đụng, tấn công tàu cá của Việt Nam. Điển hình là vụ tàu cá của Việt Nam vào tháng 4.2020 bị đâm chìm khi đang đánh bắt hợp pháp ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Giờ đây, tàu hải cảnh của Trung Quốc được chính quyền nước này tự đặt ra quyền nổ súng vào tàu nước ngoài thì rủi ro càng tăng lên.

Hậu thuẫn sau cùng cho 2 lực lượng trên chính là lực lượng hải quân mà Bắc Kinh thường xuyên triển khai ở Biển Đông.

Tất cả nhằm phục vụ cho việc Trung Quốc giở trò cắt lát salami: tiến hành các chiêu trò khác nhau để dần dần độc chiếm vùng biển. Cụ thể ở đây là Trung Quốc từng bước áp đặt các quy định, điều động lực lượng thực rồi kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.