Trung Quốc giúp Nepal khai thác dầu mỏ, cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ

Trí Đỗ
Trí Đỗ
29/05/2024 11:39 GMT+7

Dự án không chỉ là cuộc thăm dò dầu khí đầu tiên của Nepal kể từ năm 1985, mà còn là lần đầu Trung Quốc rót vốn và nguồn lực để hỗ trợ hoạt động này tại Nepal.

Theo South China Morning Post ngày 28.5, Bắc Kinh sẽ hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho sáng kiến tìm kiếm mỏ dầu dựa trên thỏa thuận được ký kết giữa chính phủ Trung Quốc - Nepal vào năm 2007. Theo đó, một nhóm gồm khoảng 20 kỹ sư Trung Quốc và 45 kỹ thuật viên người Nepal sẽ bắt đầu chiến dịch khoan kéo dài 6 tháng ở Dailekh vào đầu tháng này. Độ sâu khoan dự kiến đạt độ sâu 4 km dưới lòng đất để xác định trữ lượng dầukhí đốt tự nhiên.

Trung Quốc giúp Nepal khai thác dầu mỏ, cạnh tranh ảnh hưởng với Ấn Độ- Ảnh 1.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh (Trung Quốc) vào ngày 27.3.2017.

REUTERS

Được biết, Nepal không giáp biển và không có trữ lượng dầu hoặc khí đốt. Vào năm 1985, nước này tiến hành một cuộc khảo sát địa chấn và khoan giếng thử nghiệm sâu 3.520 m, song những nỗ lực thăm dò không mang lại kết quả và không có nhà đầu tư nào tỏ ra quan tâm trong nhiều thập niên sau đó.

Ông Narayani Sritharan, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu toàn cầu thuộc Đại học William và Mary (Mỹ) đánh giá dự án mới nhất này do Nepal thực hiện là nhằm giảm sự phụ thuộc vào vào Ấn Độ. Nepal từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn cung dầu mỏ từ Ấn Độ, đây vốn là điểm yếu chiến lược của nước này. Những thách thức về chính trị và hậu cần thường khiến Nepal phải đối mặt với tình trạng bất ổn về nguồn cung năng lượng.

"Nếu dự án thành công, nó không chỉ tăng cường an ninh năng lượng và tự chủ kinh tế của Nepal mà còn giúp nước này cân bằng tốt hơn mối quan hệ với các nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ", ông Sritharan đánh giá.

Cùng quan điểm, ông Lưu Tông Nghị, thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định Nepal có thể áp dụng cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc theo đuổi chính sách đối ngoại không liên kết nếu nước này tự chủ hơn về nguồn cung năng lượng.

Vào năm 2015, Nepal đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng và cáo buộc Ấn Độ áp đặt lệnh phong tỏa. Ông Saurav Dahal, nhà phân tích địa chính trị ở thành phố Kathmandu (Nepal) cho rằng: "Sự kiện vào năm 2015 là lời cảnh tỉnh đối với Nepal. Kể từ đó, Nepal đã tìm cách đa dạng hóa sự phụ thuộc vào dầu mỏ và thương mại thông qua nhiều thỏa thuận khác nhau với Trung Quốc".

Song, ông Dahal cũng bày tỏ sự thận trọng về các dự án mà Trung Quốc đầu tư ở Nepal. "Chúng tôi hy vọng rằng cả hoạt động thăm dò dầu mỏ đang diễn ra và thỏa thuận thương mại dầu mỏ lịch sử năm 2016 cũng như các thỏa thuận lớn khác như Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ sớm thành hiện thực". Năm 2016, Bắc Kinh và Kathmandu đã ký một thỏa thuận vận chuyển và quá cảnh cho phép Nepal sử dụng các cảng của Trung Quốc cho hoạt động thương mại của nước thứ 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.