Vụ tấn công xảy ra vào khoảng 10 giờ (giờ địa phương) khi thủ phạm lái xe hơi chứa đầy thuốc nổ lao thẳng vào cổng Đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Bishkek rồi kích nổ giữa sân. Hậu quả là kẻ tấn công thiệt mạng tại chỗ, 5 người bị thương gồm 2 nhân viên an ninh và 3 công dân Kyrgyzstan làm việc trong sứ quán, theo Tân Hoa xã.
Cảnh sát cho biết vụ nổ lớn tới mức thi thể của kẻ đánh bom được tìm thấy cách vị trí chiếc xe phát nổ tới vài trăm mét trong khi nhiều khu nhà kế cận bị hư hại nặng. Hình ảnh được đăng tải trên truyền thông và mạng xã hội cho thấy cột khói đen bốc cao, cổng chính đại sứ quán bị phá toang trong khi mảnh kính và mảng bê tông nằm vương vãi tại hiện trường. Chính quyền sở tại đã lập tức cho phong tỏa khu vực, đồng thời sơ tán nhân viên của Đại sứ quán Trung Quốc lẫn đại sứ quán Mỹ gần đó.
Tuy chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ việc nhưng Reuters dẫn lời Phó thủ tướng Kyrgyzstan Janysh Razakov lẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là “hành động khủng bố”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh lên án vụ đánh bom và kêu gọi điều tra rốt ráo. Cùng ngày, Tổng thống Kyrgyzstan Almazbek Atambayev ra lệnh thắt chặt các biện pháp an ninh, nhất là trong bối cảnh nước này chuẩn bị kỷ niệm ngày Độc lập (31.8).
Kyrgyzstan có đa số dân theo đạo Hồi ôn hòa và được đánh giá là khá ổn định, hầu như chưa xảy ra vụ tấn công lớn nào. Nước này và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực theo quan điểm “láng giềng tốt, đối tác chiến lược tốt”. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền Kyrgyzstan lâu nay rất mạnh tay truy quét các tay súng Hồi giáo chống Trung Quốc tại Tân Cương chạy sang nước này. Năm 2014, lực lượng biên phòng Kyrgyzstan từng bắn hạ 11 người Duy Ngô Nhĩ vì vượt biên trái phép từ Trung Quốc. Do đó, theo giới quan sát, nước CH Trung Á này có thể trở thành mục tiêu tấn công mới nếu nhóm vũ trang Hồi giáo khu vực phía tây Trung Quốc bắt tay với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Mặt khác, trong những năm qua, Trung Quốc tích cực đổ tiền vào các nước CH thuộc Liên Xô trước đây ở Trung Á nhằm cạnh tranh ảnh hưởng với Nga. Theo tờ China Daily, Trung Quốc hiện đã trở thành nước đầu tư lớn thứ 2 của Kyrgyzstan sau Nga. Tuy nhiên, cũng như tại nhiều quốc gia khác, dự án đầu tư của Trung Quốc tại Kyrgyzstan đã gây ra bất mãn trong một bộ phận dân chúng, dẫn đến một số vụ bất ổn.
Theo trang Jamestown, hồi tháng 8.2011 đã nổ ra biểu tình lớn phản đối việc chính phủ cấp quyền khai thác mỏ vàng Salton-Sary ở tỉnh Naryn cho nhà đầu tư Trung Quốc. Đến tháng 10.2012, khoảng 450 người tấn công trụ sở Công ty khai khoáng Zijin Mining (Trung Quốc) ở tỉnh Chui với cáo buộc gây ô nhiễm môi trường buộc chính quyền phải sơ tán 250 công nhân Trung Quốc, đồng thời đình chỉ hoạt động của Zijin Mining tại đây.
Bình luận (0)