Trung Quốc hỉ hả sau Hội nghị ASEAN

16/07/2012 03:11 GMT+7

Trong khi lần đầu tiên ASEAN không đưa ra được Thông cáo chung sau hội nghị, Trung Quốc lại khẳng định sự kiện lần này thành công.

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-45 (AMM-45) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia hồi tuần rồi nhưng lại không đưa ra được Thông cáo chung. Đa số các chuyên gia đều nhận định đây là “đòn nặng nề giáng vào uy tín ASEAN” và sẽ gây khó khăn về lâu dài. Tuy nhiên, Tân Hoa xã dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố ông tin rằng đợt Hội nghị ASEAN lần này cho “kết quả tốt” và “tăng sự hiểu biết lẫn nhau”. Ông Dương còn nói rằng quan điểm của Trung Quốc về nhiều vấn đề đã được “nhiều nước tham dự hội nghị ủng hộ”. Thực tế là nhiều nước, bao gồm Việt Nam và Philippines, đều tỏ ra lấy làm tiếc về việc không ra được Thông cáo chung mà lý do chính là nước chủ nhà Campuchia không đồng ý đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông vào văn kiện. Trước đó, trong cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị với Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Ngoại trưởng Dương đã cám ơn nước này “luôn kiên định ủng hộ trong những vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”. 

Trung Quốc hỉ hả sau Hội nghị ASEAN  1 
Ngoại trưởng Campuchia Hor Nam Hong (phải) và người đồng cấp Trung Quốc
Dương Khiết Trì trao đổi bên lề các hội nghị của ASEAN  - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, trong thời gian diễn ra đợt Hội nghị ASEAN, truyền thông Trung Quốc liên tục đăng bài tuyên truyền củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của nước này ở biển Đông, với giọng điệu đe đọa, chỉ trích. Ngày 10.7, Hoàn Cầu thời báo đăng bài xã luận lên giọng: “ASEAN chỉ có thể đóng vai trò trung gian, không thể chỉ đạo vấn đề liên quan đến việc phân ranh giới lãnh thổ. Miễn ASEAN còn lý trí, khối này sẽ không chấp nhận đề nghị của Việt Nam và Philippines”.

Trong khi đó, Trung Quốc lại đưa tàu hải quân đến tuần tra phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngày 13.7, Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo tàu khu trục mang tên lửa của nước này mắc cạn ở gần bãi cạn Trăng Khuyết thuộc Trường Sa trong lúc “tuần tra thường kỳ” ở khu vực. Đến ngày 15.7, Bộ này cho hay con tàu được trục lên thành công và chuẩn bị về cảng. Mấy ngày qua, nhiều bên đã tỏ ra nghi ngại về hoạt động con tàu cũng như công tác cứu hộ trong vùng biển đang tranh chấp và Philippines đã theo dõi sát sao mọi diễn biến, theo AP.

Trong một diễn biến khác, tờ Liberty Times hôm qua dẫn nguồn tin an ninh cho hay Đài Loan đang xem xét việc mở rộng đường băng ở đảo Ba Bình thuộc Trường Sa của Việt Nam thêm 500 m, lên 1.650 m. Đài Loan xây đường băng này vào năm 2006, bất chấp phản đối của Việt Nam, Brunei, Malaysia, Philippines và Trung Quốc.

Nhật triệu hồi đại sứ ở Trung Quốc

Ngày 15.7, Đại sứ Nhật Uichiro Niwa tại Bắc Kinh về đến Tokyo để báo cáo với Ngoại trưởng Koichiro Gemba về vụ tàu Trung Quốc xuất hiện gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi giữa tuần trước. Kyodo News dẫn lời Ngoại trưởng Gemba cho hay sẽ thảo luận với ông Niwa tình hình hiện nay và tương lai quan hệ Nhật - Trung. Trước đó, báo Yomiuri Shimbun đăng bài xã luận cáo buộc Trung Quốc gây sóng gió ở Senkaku/Điếu Ngư. Từ đó, bài xã luận đề nghị Nhật Bản tiếp tục thực hiện chính sách ngoại giao kêu gọi Bắc Kinh kiềm chế nhưng cũng phải chuẩn bị cơ chế đối phó mọi hành động khiêu khích.

Văn Khoa

>> Thách thức cho sự ra đời của COC
>> COC là cơ sở để giải quyết xung đột
>> Trông đợi bước tiến COC
>> COC là mục tiêu hàng đầu ASEAN
>> Hội nghị ASEAN không ra được Thông cáo chung
>> Biển Đông nóng tại Hội nghị ASEAN
>> Khai mạc hội nghị ASEAN bàn về phát triển nông thôn
>> Biển Đông trên bàn hội nghị ASEAN - Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.