Trung Quốc hỗ trợ Indonesia trục vớt tàu ngầm bằng cách nào?

Văn Khoa
Văn Khoa
31/05/2021 15:00 GMT+7

Trung Quốc được cho là không nổi tiếng về khả năng trục vớt tàu ở vùng biển nước sâu, nhưng là quốc gia đầu tiên ngỏ lời và điều tàu đến hỗ trợ Indonesia trục vớt chiếc tàu ngầm chở 53 người chìm hồi tháng trước.

Trong cuộc họp báo mới đây của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nước này một lần nữa khẳng định đã đóng góp tích cực vào quá trình tìm kiếm tàu ngầm Nanggala-402 của Indonesia bị chìm và bị vỡ, khiến tất cả 53 người trên tàu thiệt mạng hồi tháng trước.
Động thái khó hiểu?
Liên quan vấn đề này, quân đội Indonesia từng xác nhận 3 tàu thuộc hải quân Trung Quốc đã đến vùng biển Indonesia để hỗ trợ trục vớt tàu ngầm Nanggala-402, theo Reuters.
Ba tàu Trung Quốc nói trên, gồm tàu trục vớt Yongxing Dao 863, tàu khảo sát Tan Suo 2 và tàu kéo Nantuo, rời khỏi cảng ở đảo Hải Nam sau khi nhận được lệnh, nhưng lại có động thái khó hiểu là tắt các bộ phát đáp khi vào vùng biển Indonesia, theo báo Asia Times ngày 11.5.
Việc đó đã gây báo động trong những thành viên thuộc hải quân Indonesia mà không biết sứ mệnh hỗ trợ trục vớt tàu ngầm của 3 tàu Trung Quốc đã được Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan và Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto thông qua. Cả hai ông này đều là tướng lục quân về hưu.
Indonesia ngày càng trở nên cảnh giác đối với những vụ tàu Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) kể từ khi tàu hải cảnh Trung Quốc hồi năm 2016 ngăn cản tàu tuần tra Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép ở vùng biển phía bắc quần đảo Natuna.

Tàu trục vớt Yongxing Dao 863 của Trung Quốc

Asia Times

Trong năm qua, Jakarta cũng trở nên cảnh giác hơn với tình trạng tàu khảo sát Trung Quốc đi qua vùng biển Indonesia ngày càng nhiều. Mới đây, trong tháng 1.2021, Trưởng phát ngôn viên Cơ quan an ninh hàng hải Indonesia (BAKAMLA) Wisnu Pramandita khẳng định hệ thống nhận dạng tự động (AIS) của một tàu khảo sát Trung Quốc không hoạt động trong 2 lần khi đi qua vùng biển xung quanh Natuna. AIS là hệ thống theo dõi cung cấp thông tin về vị trí của tàu. Những tàu khảo sát của Trung Quốc bị tình nghi thả thiết bị không người lái được dùng để vẽ bản đồ đáy biển và những điều kiện khác có lợi cho tác chiến tàu ngầm.
Báo chí nhà nước Trung Quốc gần đây cũng đã dẫn lời một chuyên gia tàu ngầm cho rằng việc hỗ trợ trục vớt tàu ngầm KRI Nanggala 402 sẽ có lợi ích cho quân đội nước này, theo một bản tin của Đài ABC (Úc). “[Việc trục vớt tàu ngầm có thể hỗ trợ Trung Quốc] nghiên cứu địa lý khu vực nơi tàu ngầm bị vỡ để phục vụ mục đích quân sự cũng như mở rộng hợp tác quốc tế và tầm ảnh hưởng của hải quân chúng ta trong hoạt động cứu hộ và trục vớt tàu ngầm”, báo chí Trung Quốc trích lời vị chuyên gia nhấn mạnh.

Trung Quốc giúp Indonesia vớt tàu ngầm chìm

Trong khi đó, nhà phân tích quốc phòng Curie Maharani thuộc Đại học Bina Nusantara ở Jakarta cho hay việc nhận sự hỗ trợ trục vớt tàu ngầm từ Trung Quốc mang tính nhạy cảm. Bà Maharani nhận định “việc cho phép những quốc gia có nguy cơ xung đột tiềm tàng tiếp cận tàu ngầm của chúng ta thì chẳng khác nào phơi bày điểm yếu của mình”.

Khó khăn phía trước

Trung Quốc không nổi tiếng về khả năng trục vớt tàu ở vùng biển nước sâu, nhưng theo một quan chức cấp cao của Indonesia khẳng định với Asia Times rằng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên ngỏ lời hỗ trợ trục vớt tàu ngầm Nanggala 402, quá trình sẽ rất tốn kém nếu được xử lý bởi những nhà thầu dân sự chuyên nghiệp.
Asia Times chỉ ra hồi năm 2001, việc nâng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân 18.000 tấn Kursk được thực hiện bởi nhóm công ty quốc tế do Hà Lan dẫn đầu đã khiến chính phủ Nga tốn 62 triệu USD. Tuy lớn hơn nhiều so với tàu Nanggala 402, tàu ngầm Kursk nằm ở độ sâu chỉ 160 m. Tàu Nanggala 402 nằm ở độ sâu gần 850 m và bị vỡ ít nhất thành 3 phần.
Trong số 3 tàu Trung Quốc, tàu Yongxing Dao 863 được trang bị một tàu ngầm mini có khả năng chạm tới độ sâu 1.000 m cùng với robot hoạt động dưới nước. Tuy nhiên, một phát ngôn viên hải quân Indonesia nhấn mạnh khó khăn của công việc trục vớt đang nằm ở phía trước, đặc biệt với những quả ngư lôi có thể phát nổ.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được Indonesia biên chế vào năm 1981

Reuters

Asia Times còn chỉ ra một điều lạ là không có thông tin nhiều về hoạt động trục vớt kể từ khi đội tàu Trung Quốc đến khu vực vào ngày 3-4.5, đúng 12 ngày sau khi tàu Nanggala 402 mất tích và chỉ một tuần sau khi xác tàu được tìm thấy ở vị trí cách đảo Bali khoảng 40 km. Vị phát ngôn viên hải quân Indonesia nói trên cho hay có thể chỉ trục vợt một phần chứ không phải toàn bộ con tàu. “Việc quan trọng nhất là đưa phần lớn nhất của con tàu lên khỏi đáy biển”, phát ngôn viên quân đội Indonesia Djawara H.T. Whimbo nhấn mạnh hôm 6.5.
Giới sĩ quan hải quân Indonesia nhấn mạnh sự hỗ trợ quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc trục vớt tàu ngầm Nanggala 402, nhưng cho đến nay chỉ có Trung Quốc tham gia, theo Reuters.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích ở vùng biển cách đảo Bali của Indonesia khoảng 96 km vào ngày 21.4 trong lúc tham gia cuộc tập trận ở khu vực. Sau đó, một tàu cứu hộ dưới nước của Singapore đã giúp phát hiện tàu KRI Nanggala 402 nằm ở độ sâu hơn 800 m, bị vỡ thành 3 phần và hải quân Indonesia khẳng định tất cả 53 người tên tàu đã thiệt mạng.

Cho đến nay, quân đội Indonesia chưa đưa ra lời giải thích chính thức về vụ tàu ngầm chìm. Nhà chức trách Indonesia nghi ngờ con tàu đã bị một dòng chảy ngầm mạnh mẽ, còn gọi là sóng độc (đơn lẻ) trong lòng biển đánh chìm. Ngoài ra còn có một số ý kiến cho rằng tàu ngầm Indonesia đã trúng tên lửa từ tàu nước ngoài, hoặc là bị mất điện.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 là một trong 2 chiếc thuộc lớp tàu ngầm tấn công Cakra, tức tàu ngầm Type 209 do Đức đóng và xuất khẩu, được Indonesia biên chế vào năm 1981. Tàu ngầm này dài 59,5 m, rộng nhất 6,2 m, có độ choán nước khi lặn là 1.390 tấn. Tàu hoạt động bằng động cơ diesel-điện, tốc độ hành trình khi lặn là 21,5 knot (gần 40 km/giờ), tầm hoạt động 15.200 km.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.