Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị Bắc Đẩu, cạnh tranh GPS của Mỹ

Khánh An
Khánh An
23/06/2020 10:50 GMT+7

Trung Quốc đạt bước tiến lớn khi phóng vệ tinh cuối nhằm bố trí xong mạng lưới vệ tinh định vị toàn cầu nhằm cạnh tranh với Mỹ, Nga và châu Âu.

Hãng AFP ngày 23.6 đưa tin Trung Quốc vừa phóng vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị nhằm cạnh tranh với hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của Mỹ, đánh dấu bước ngoặt lớn trong thị trường đang thu hút này.
Hình ảnh từ Đài CCTV cho thấy tên lửa đẩy khai hỏa tại vùng núi thuộc tỉnh Tứ Xuyên, trong lúc một nhóm người dùng điện thoại di động ghi lại thời khắc quan trọng.
Vệ tinh Bắc Đẩu-3GEO3 dự kiến được phóng từ Trung tân Phóng vệ tinh Tây Xương vào ngày 16.6 nhưng bị hoãn vì “các vấn đề kỹ thuật” chưa công bố chi tiết.

Trung Quốc hoàn thành hệ thống định vị Bắc Đẩu, cạnh tranh với Mỹ, Nga và EU

Giới quan sát nhận định việc Trung Quốc hoàn tất hệ thống vệ tinh định vị giúp nước này đóng vai trò quan trọng trong thị trường dịch vụ định vị toàn cầu giá trị tỉ USD.
Bắc Đẩu là hệ thống định vị toàn cầu của Trung Quốc nhằm sánh vai với GPS của Mỹ, GLONASS của Nga và Galileo của EU.
“Tôi cho rằng hệ thống Bắc Đẩu-3 đi vào vận hành là một sự kiện lớn. Đây là dự án đầu tư lớn của Trung Quốc giúp nước này độc lập khỏi các hệ thống của Mỹ và châu Âu”, theo nhà thiên văn học Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ).
Trung Quốc bắt đầu xây dựng hệ thống định vị toàn cầu cách đây hơn 2 thập niên trong dự án có kinh phí ước tính lên đến 10 tỉ USD nhằm giúp xe hơi, tàu thuyền, quân đội định vị dùng bản đồ dữ liệu từ các vệ tinh riêng.

Tăng cường ứng dụng quân sự, dân sự

Hệ thống Bắc Đẩu thương mại hóa từ năm 2012 và ban đầu chỉ giới hạn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương trước khi mở rộng dịch vụ toàn cầu từ năm 2018. Hệ thống hoạt động dựa trên mạng lưới khoảng 30 vệ tinh.
Hệ thống này giúp Trung Quốc đảm bảo an toàn hoạt động liên lạc quân sự và cải thiện mức độ chính xác các loại vũ khí của nước này, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiện dịch vụ có thể được sử dụng bởi hàng triệu thiết bị di động để định vị như tìm các nhà hàng, cây xăng, rạp hát… ở khu vực lân cận, dẫn đường cho taxi, tên lửa hay giúp các thiết bị bay không người lái định vị.
Tính đến năm 2019, hơn 70% số điện thoại di động tại Trung Quốc được cài đặt định vị Bắc Đẩu, bao gồm các thiết bị của Huawei, Oppo, Xiaomi, Vivo và Samsung.
Khoảng 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có Thái Lan và Pakistan, đang sử dụng dịch vụ của Bắc Đẩu để quan sát lưu thông tại cảng, hướng dẫn chiến dịch cứu hộ trong thảm họa và các ứng dụng khác.
Tuy nhiên, ông McDowell nhận định hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu khó hất cẳng được GPS trong vòng 10 năm hay thậm chí 20 năm tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.