Trung Quốc in tiền cho nước khác để tạo ảnh hưởng

Văn Khoa
Văn Khoa
28/08/2018 08:00 GMT+7

Trung Quốc hiện cung cấp dịch vụ in tiền cho nhiều nước, bao gồm những bên tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, với đơn hàng tăng vọt trong năm nay.

Trong vài năm gần đây, hoạt động của Công ty đúc tiền và in giấy bạc nhà nước Trung Quốc (CBPMC) khá ảm đạm do sự phát triển bùng nổ của các phương thức thanh toán qua mạng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, các nhà máy của công ty đang hoạt động gần hết công suất để đáp ứng hạn ngạch cao bất thường.
Đáng chú ý, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời một nhân viên thuộc chi nhánh tỉnh Giang Tô cho hay phần lớn tiền giấy được in trong năm nay không phải nhân dân tệ, mà là tiền của nước khác.
CBPMC, có trụ sở tại quận Tây Thành của Bắc Kinh, được xem là công ty in tiền lớn nhất thế giới về quy mô. Công ty này có hơn 18.000 nhân viên, vận hành hơn 10 cơ sở in tiền giấy và đúc tiền đồng. Trong khi đó, công ty in tiền lớn thứ 2 thế giới là De La Rue của Anh chỉ có hơn 3.100 nhân viên.
Theo Chủ tịch CBPMC Lưu Quý Sinh, phần lớn khách hàng in tiền là các nước tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường. Ông tiết lộ quốc gia đầu tiên nhờ Trung Quốc in tiền là Nepal, với giấy bạc mệnh giá 100 rupee. Đến nay, CBPMC tận dụng cơ hội giành được hợp đồng in tiền cho nhiều nước, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Sri Lanka, Bangladesh, Ấn Độ, Brazil và Ba Lan. Tuy nhiên, một nguồn tin từ CBPMC nhận định với SCMP rằng con số quốc gia có kế hoạch nhờ Trung Quốc in tiền thực tế có thể cao hơn nhiều nhưng một số khách hàng yêu cầu giữ bí mật vì “không muốn gây ra tranh cãi không cần thiết trong nước về an ninh”.
Theo báo mạng Business Insider, nhiều nước không tự in tiền giấy vì đòi hỏi công nghệ phức tạp, chi phí vận hành lớn và phải sử dụng kỹ thuật đặc biệt để tránh nguy cơ sao chép làm tiền giả. Hiện nay, Công ty công nghệ an ninh đặc biệt Zhongchao, chi nhánh của CBPMC, là nhà cung cấp đặc điểm an ninh cho tiền giấy lớn nhất giới. Theo báo cáo thường niên của công ty in tiền Anh De La Rue, Zhongchao chiếm tới 1/3 thị phần toàn cầu, gấp 4 lần so với thị phần của De La Rue. Tờ Dhaka Tribune dẫn các nguồn tin trong ngành in tiền cho hay một trong những lợi thế lớn của Zhongchao là có thể cung cấp đặc điểm an ninh với giá tương đối thấp so với các đối thủ phương Tây.
Giới quan sát nhận định in tiền cũng là một trong những công cụ để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng và thiết lập lòng tin với các nước khác. “In tiền cho các nước là bước quan trọng trong quá trình thách thức hệ giá trị tài chính do phương Tây thiết lập”, chuyên gia Hồ Tinh Đẩu thuộc Đại học Công nghệ Bắc Kinh nói với SCMP, “tiền tệ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Dịch vụ in tiền giúp tạo dựng lòng tin và thậm chí là liên minh tiền tệ”. Tuy nhiên, việc sử dụng in tiền ở nước ngoài cũng có thể gây nguy cơ lớn về an ninh. Hồi năm 2011, chính phủ Anh đã tịch thu số tiền giấy dinar trị giá khoảng 1,5 tỉ USD do Công ty De La Rue in cho Libya để gây thêm áp lực lên chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Bản thân Trung Quốc cũng xem khả năng tự in tiền mang tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia không thua kém chương trình vũ khí hạt nhân vì có thể ngăn chặn đối thủ dùng tiền giả để phá hoại nền kinh tế.
Sau khi SCMP đăng tải thông tin Ấn Độ sử dụng dịch vụ in tiền của Trung Quốc, nhiều nghị sĩ nước này đã lên tiếng yêu cầu chính phủ giải thích. “Nếu thông tin là thật thì sẽ rất đáng lo ngại cho an ninh quốc gia”, tờ The Times of India dẫn lời nghị sĩ đảng Quốc đại Shashi Tharoor phát biểu. Tuy nhiên đến nay, chính quyền các bên liên quan chưa đưa ra bình luận nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.