(TNO) Đó là nhận định của Phó giáo sư Taylor Fravel, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), khi bàn về vụ Trung Quốc ngang ngược đem giàn khoan HD 981 trái phép vào vùng biển Việt Nam, được tờ New York Times đăng tải hôm 8.5.
Toàn cảnh vụ Trung Quốc đặt hạ trái phép giàn khoan trên vùng biển Việt Nam
|
Trung Quốc hiếu chiến và thích hành động đơn phương
“Hành động của Trung Quốc chỉ có tác dụng củng cố nhận thức của các nước khác có tuyên bố chủ quyền tại biển Đông rằng Bắc Kinh luôn có ý định hiếu chiến và thích hành động đơn phương”, ông Fravel nói.
Vị phó giáo sư Mỹ này còn nói thêm rằng việc đem giàn khoan HD 981 vào vùng biển Việt Nam của Trung Quốc còn khiến các quốc gia nói trên gia tăng gấp đôi các biện pháp phòng vệ.
“Các quốc gia này nhiều khả năng sẽ đầu tư mạnh hơn cho hải quân, cũng như năng lực thực thi pháp lý trên biển, tìm kiếm hợp tác an ninh hàng hải với Mỹ, Nhật Bản, với các nước khác và có lẽ là cả với nhau”, ông Fravel dự đoán.
Ông cũng nhận định với New York Times rằng “nguy cơ bùng nổ xung đột là có thật”.
“Việc nhiều tàu thuyền kèn cựa nhau để kiểm soát một khu vực nhỏ trên biển sẽ làm tăng khả năng phát sinh các sơ suất và đụng độ có thể nâng cao thành xung đột vũ trang”, ông Fravel cảnh báo.
Việt Nam cương quyết bảo vệ lãnh thổ
Chuyên gia này cũng đánh giá rằng chính phủ Việt Nam đã cho thấy sự cương quyết của mình trong vài năm trước đây khi điều động tàu công vụ ra ngăn cản “những hành vi hung hăng đe dọa quyền lợi nước mình của Trung Quốc”.
“Hồi năm 2007, Việt Nam đã ngăn Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa. Rồi vào năm 2010, tàu Việt Nam cũng đã vây một tàu tuần tra của Trung Quốc khi tàu này đi vào vùng biển của Việt Nam”, theo ông Fravel.
Phó giáo sư Fravel nhận định rằng việc Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển Việt Nam là một hành động nhằm mục đích chính trị, chứ không phải kinh tế, vì có rất ít bằng chứng cho thấy vùng mà giàn khoan HD-981 đang hoạt động có nhiều dự trữ dầu khí.
Ngoài ra, chi phí vận hành giàn khoan 1 tỉ USD mỗi ngày là rất lớn, làm nảy sinh câu hỏi vì sao Trung Quốc lại khai thác ở khu vực có không mấy tiềm năng như vậy, theo ông Fravel.
“Do Tổng thống Mỹ Barack Obama mới có chuyến thăm châu Á, gồm hai nước có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông là Philippines và Malaysia, nên có thể Trung Quốc cũng muốn dò thử cam kết “xoay trục” về châu Á của Mỹ", chuyên gia Mỹ nhận định.
Phản ứng của Mỹ đối với việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam
Khi được hỏi về phản ứng của Mỹ đối với vụ việc kể trên, ông Fravel cho rằng Mỹ “cần phải kêu gọi tất cả các bên không nên hành động đơn phương”.
“Mỹ cũng có thể dùng vụ việc này để làm nổi bật sự cần thiết của Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhằm ngăn ngừa những vụ việc tương tự có thể diễn ra trong tương lai”, ông Fravel cho hay.
Bình luận về vị trí của Mỹ trong vụ Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, vị phó giáo sư này cho biết chính sách của Mỹ là không đứng về phía nào trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở biển Đông.
“Tuy nhiên, Mỹ cũng đã nhấn mạnh rằng nước này có quyền lợi then chốt tại khu vực này, bao gồm tự do hàng hải, giải pháp hòa bình cho các tranh chấp và tránh để xảy ra tình trạng uy hiếp, dọa nạt trong các tranh chấp”, theo ông Fravel.
Hoàng Uy
>> Trung Quốc dùng giàn khoan HD-981 để cố ôm các tuyên bố chủ quyền phi lý
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
>> Điện đàm cấp cao về việc giàn khoan Trung Quốc
>> Báo Trung Quốc: Không có chuyện ngừng đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam
>> HD-981 chính là giàn khoan ‘khủng’ của Trung Quốc
>> Đưa giàn khoan vào vùng biển Việt Nam: Trung Quốc vi phạm DOC
Bình luận (0)