Trung Quốc khoan thêm lỗ sâu gần 11 km ở Tứ Xuyên

Khánh Như
Khánh Như
22/07/2023 16:44 GMT+7

Các kỹ sư Trung Quốc đã động thổ một lỗ khoan cực sâu mới vào lớp vỏ trái đất. Dự án được đưa ra trong bối cảnh nước này đẩy mạnh tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên ẩn sâu hơn 10.000 m dưới lòng đất.

Theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã, lỗ khoan dự kiến sâu tới 10.520 m so với mặt đất tại tỉnh Tứ Xuyên ở tây nam Trung Quốc. Báo cáo ngày 20.7 cho biết đây là khu vực chính để sản xuất khí đốt của Trung Quốc.

Thông báo được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc bắt đầu khoan một lỗ siêu sâu khác, dự kiến chạm tới độ sâu 11.100 m, tại lòng chảo Tarim ở phía tây bắc vùng Tân Cương. Tân Hoa xã gọi dự án này là "kính viễn vọng" đi vào nơi sâu nhất của trái đất.

Trung Quốc khoan thêm lỗ sâu gần 11 km ở Tứ Xuyên - Ảnh 1.

Vị trí khoan của lỗ khoan siêu sâu tại tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc

TÂN HOA XÃ

Theo đài CNN, nếu hoàn thành, đây sẽ là hai trong số những lỗ khoan nhân tạo sâu nhất thế giới. Tuy nhiên, chúng chưa phải là sâu nhất. Kỷ lục đó hiện thuộc về Kola Superdeep Borehole hiện đã không còn tồn tại ở phía tây bắc nước Nga, một dự án khoan khoa học mà Liên Xô mất 20 năm để hoàn thành và đạt độ sâu 12.262 m.

Việc khoan sâu cho phép các nhà khoa học tìm hiểu thêm về cách trái đất được hình thành. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị nghiên cứu, các dự án cũng sẽ giúp Trung Quốc khai thác nguồn dự trữ năng lượng sinh lợi tiềm tàng nằm sâu bên dưới.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai và là nước phát thải carbon lớn nhất thế giới, có nhu cầu năng lượng rất lớn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố an ninh năng lượng trong tương lai là ưu tiên an ninh quốc gia.

Theo một báo cáo gần đây, Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo và đang trên đà tăng gấp đôi công suất năng lượng gió và mặt trời, đồng thời đạt được các mục tiêu năng lượng sạch vào năm 2030 sớm hơn 5 năm. Tuy nhiên, đây cũng là quốc gia tạo nhiều khí thải nhất cho hành tinh và đang đẩy mạnh sản xuất than.

Trung Quốc làm gì để ứng phó với biến đổi khí hậu?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.