Trung Quốc là nguyên nhân chính gây căng thẳng ở biển Đông

10/05/2014 02:59 GMT+7

Tạp chí Thế giới đa cực ngày 7.5 đăng bài của ông Paven Vinogradov liên quan đến những động thái gần đây của TQ trên biển Đông. Thanh Niên xin trích dịch dưới đây.

Sự xuất hiện bất ngờ của giàn khoan TQ tại khu vực quần đảo Hoàng Sa mà một vài quốc gia tuyên bố chủ quyền, đã gây ra scandal quốc tế trong khu vực. Tập đoàn dầu khí TQ đã đưa giàn khoan vào khu vực đặc quyền kinh tế của VN và đã bắt đầu khoan đáy biển.

Theo nguồn tin chính thức của cơ quan an ninh Hành chính biển của TQ thông báo, từ 4.5 đến 15.8, TQ sẽ tiến hành công việc khoan thăm dò, cấm tất cả tàu thuyền xung quanh giàn khoan trong bán kính 4,8 km. Bắt đầu từ ngày 5.5, một loạt các quốc gia đã gửi cho Bắc Kinh công hàm phản đối. Bộ Ngoại giao VN gọi kế hoạch khai thác trong khu vực tranh chấp biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế và yêu cầu TQ đưa giàn khoan ra khỏi khu vực. Tổng công ty dầu khí Petro VN đã yêu cầu TQ ngay lập tức chấm dứt hành động bất hợp pháp và rút giàn khoan ra khỏi lãnh hải của VN".

Báo chí thế giới khẳng định hành động của TQ ảnh hưởng đến tương lai khu vực, đe dọa xung đột vũ trang, thậm chí là chiến tranh. Nhiều chuyên gia cho rằng TQ không muốn tranh cãi bằng lời nói, không muốn thừa nhận quyền hợp pháp của các quốc gia láng giềng mà tiếp tục sử dụng sức mạnh “ép” các quốc gia này phải tuân theo luật chơi của mình. TQ đã bắt đầu khẳng định quyền của mình trong vùng biển tranh chấp và cho rằng các nước láng giềng không thể chống lại nước này bằng các biện pháp gia tăng quân sự và sức ép kinh tế.

Theo ý kiến của các chuyên gia, tình hình đang ngày càng phức tạp và có nhiều diễn biến mới.

Nói một cách cụ thể trong tình hình hiện nay đó là sự vi phạm của TQ rõ ràng về quyền quốc tế, các chuẩn mực được quy định trong văn kiện của Liên Hiệp Quốc. Điều đặc biệt đó là mâu thuẫn lợi ích chủ yếu liên quan việc giàn khoan của TQ một lần nữa được triển khai ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, mà quần đảo này phù hợp với công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của VN.

Thực tế không cần phải bàn cãi. Nhưng Bắc Kinh không muốn thừa nhận quyền hợp pháp của các quốc gia láng giềng và tiếp tục sử dụng vũ lực bao vây các khu vực lãnh hải mới ở biển Đông.

Hiện nay rõ ràng vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông có xu hướng leo thang. Bên gây hấn chính trong tiến trình tiêu cực này là TQ với chính sách làm thay đổi sự cân bằng lực lượng và đảm bảo các lợi ích cốt lõi của mình như những “người chơi chính” trong khu vực và toàn cầu.

Các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương lo lắng quan sát động thái của TQ khi quốc gia này tuyên bố về quyền không thể chối cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa và sau đó, TQ thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường sự kiểm soát về quân sự, hàng hải, kinh tế và hành chính tại biển Đông.

Không còn nghi ngờ gì khi chính sách này đã dẫn tới gia tăng căng thẳng trong khu vực chiến lược quan trọng này. Chủ đề này chắc chắn sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự của các cuộc gặp gỡ và hội đàm quốc tế.

Paven Vinogradov
Tổng biên tập Tạp chí Thế giới đa cực (Nga)

A.H (Lược dịch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.