Cuối tuần trước, 55 cầu thủ độ tuổi U.25 hàng đầu của bóng đá Trung Quốc đã được đưa đến một căn cứ quân sự ở tỉnh ven biển Sơn Đông, nơi họ phải tạm cất “quần đùi áo số” để khoác vào bộ đồng phục binh lính.
Một số hình ảnh tại trại huấn luyện đặc biệt đã được phát đi trên Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV và một lần nữa trở thành đề tài gây tranh cãi trong dư luận nước này.
|
Một số hình ảnh trên CCTV cho thấy các cầu thủ trẻ - mà đa phần đang là trụ cột của các CLB tại giải hàng đầu Trung Quốc (Chinese Super League - CSL), đang được hướng dẫn bởi các huấn luyện viên quân sự và tất cả đều phải cạo đầu.
Các tài năng trẻ cũng được nhìn thấy ngồi trong một lớp học với vẻ mệt mỏi khi xem phát sóng trận giao hữu tuyển quốc gia hòa Ấn Độ không bàn thắng vào ngày 13.10. Theo báo cáo của CCTV, sẽ bắt đầu đào tạo bởi các chuyên gia quân sự, giáo dục tư tưởng và các cuộc tập trận lực lượng đặc biệt.
|
Trại huấn luyện trên là một phần trong kế hoạch “chấn chỉnh” của Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc (CFA) để hướng đến tham vọng trở thành siêu cường bóng đá thế giới được chính phủ nước này ban bố hồi năm 2015. Bất chấp những ý kiến trái chiều, phía CFA nhấn mạnh rằng trại huấn luyện kéo dài trong 2 tháng rưỡi (kết thúc vào ngày 28.12) sẽ “cải thiện việc đào tạo cho các tài năng trẻ, đặc biệt là đại tu tinh thần, tăng cường lực lượng kế cận cho đội tuyển quốc gia”. Trại huấn luyện sẽ được chia thành 2 giai đoạn, gồm: huấn luyện quân sự và bóng đá.
tin liên quan
Bóng đá Trung Quốc bị chỉ trích vì ‘kế hoạch khác thường’Kế hoạch tập trung 55 tuyển thủ lứa tuổi U.25 tham gia một đợt huấn luyện theo phong cách quân đội đúng ngay thời điểm then chốt của mùa bóng đã dẫn đến những ý kiến bất đồng trong bóng đá Trung Quốc.
Thậm chí, một số tin đồn còn tiết lộ rằng, 55 cầu thủ trẻ sau khi được huấn luyện quận sự có thể sẽ được lập thành một đội để tranh tài ở CSL khi mùa giải mới khởi tranh vào tháng 3 năm sau. Thậm chí, theo một nguồn tin, trong số các cầu thủ trẻ nói trên, nếu ai không hoàn thành đợt huấn luyện sẽ bị đuổi khỏi trại và bị cấm tham gia các giải đấu thuộc CFA.
|
Thông tin và những hình ảnh mới nhất tiếp tục trở thành tâm điểm chỉ trích của phần lớn dư luận Trung Quốc, đặc biệt là cư dân mạng xã hội. Theo đó, sau khi không ít CLB phàn nàn về việc họ bị mất các cầu thủ tài năng trong thời điểm CSL vẫn diễn ra giai đoạn cuối, một số người cho rằng kế hoạch của CFA đã “tước” mất cơ hội thi đấu, cọ xát của các cầu thủ trẻ và đang gây nguy hiểm cho tính toàn vẹn thể thao. Cameron Wilson - một cây bút bình luận thể thao ở Thượng Hải, nói trên The Chinese Football Podcast rằng trại huấn luyện quân sự nói trên là trái với quy tắc của FIFA nên có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thể thao.
Trước đó, không ít cư dân mạng cũng chỉ thẳng rằng kế hoạch đưa 55 cầu thủ trẻ vào trại huấn luyện quân sự sẽ mang đến “cái chết cho bóng đá Trung Quốc”. Một số khác gọi động thái mới của CFA liên quan đến huấn luyện quân sự là "kế hoạch khác thường".
Năm 2015, Chính phủ Trung Quốc từng đưa ra dự án nhiều tỉ USD hướng đến tham vọng trở thành cường quốc bóng đá thế giới vào năm 2050, trong đó mục tiêu trong thập niên tới sẽ thu hút 50 triệu người chơi bóng đá. Tham vọng trên đã phần nào được triển khai với hàng loạt học viện đào tạo trẻ mọc lên khắp Trung Quốc và bản thân giải CSL “nổi như cồn” với việc đầu tư hàng đống tiền ký kết nhiều ngôi sao bóng đá thế giới.
|
Thế nhưng, số tiền đầu tư lớn đã không tỷ lệ thuận với thành tích của các tuyển quốc gia nước này kể từ năm 2015 đến nay. Tuyển Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của HLV trứ danh Marcelo Lippi (người giúp Ý đăng quang World Cup 2006) bị loại khỏi World Cup 2018, rớt xuống hạng 75 thế giới và mới đây bị dư luận kêu gọi giải tán đội tuyển sau các trận giao hữu gây thất vọng. Trong khi đó, các đội tuyển trẻ của Trung Quốc cũng để lại hình ảnh tệ hại ở các giải vô địch U.23 châu Á và ASIAD 18 trong năm nay...
Bình luận (0)