Trong đặc khu, Bắc Kinh sẽ không áp đặt thuế quan, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu từ các nước không có chung biên giới với Trung Quốc, theo Nikkei Asian Review.
“Lần đầu tiên Trung Quốc đưa ra qui chế đặc quyền thông qua thương mại biên giới để thắt chặt mối quan hệ với các nước vùng sông Mê Kông và cả ASEAN”, ông Danaitun Pongpatcharatorntep tại Trung tâm tình báo Trung Quốc thuộc Đại học Chiang Mai, miền bắc Thái Lan, phát biểu.
Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tuần trước cam kết sẽ nhập khẩu 40 tỉ USD giá trị hàng hóa và dịch vụ trong vòng 15 năm tới, bao gồm các sản phẩm từ các nước vùng Mê Kông.
Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc được xem như một nỗ lực mà Bắc Kinh đang muốn thúc đẩy, nhằm đối trọng với những chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến thương mại của Trung Quốc, và nhằm giảm thiểu tác động từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trung Quốc đã chi 1,7 triệu USD trong năm 2018 vào Chương trình hợp tác Lan Thương-Mê Kông, một sáng kiến do Thái Lan đề xuất nhằm phát triển vùng. Chương trình hợp tác này đã mở rộng vùng tự do mậu dịch biên giới giữa Trung Quốc với Lào sang Thái-Lào.
Bộ trưởng thương mại Thái Lan Sontirat Sontijirawong cho biết nước này sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc và Lào để hoàn thành khuôn khổ cho khu miễn thuế dự kiến trong vài năm tới.
Oramon Sapthaweetham, Tổng giám đốc Bộ phận đàm phán thương mại của Thái Lan, cho biết khu thương mại miễn thuế sẽ bao gồm một vùng kéo dài từ khu biên giới phía nam Trung Quốc, Mohan đến Chiang Khong, miền bắc Thái Lan.
Khu vực phía nam Trung Quốc có dân số 47,4 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội là 1,4 tỉ nhân dân tệ (201 triệu USD), có tốc độ tăng trưởng khoảng 8% một năm, theo Ngân hàng Thái Lan. Thái Lan cũng muốn phát triển thương mại điện tử sang vùng Mohan và biến Chiang Mai thành trung tâm thương mại điện tử xuất khẩu sang miền nam Trung Quốc.
Bình luận (0)