Căng thẳng ở Hoa Đông có nguy cơ leo thang sau khi Trung Quốc tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không bao phủ cả vùng trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
|
Ngày 23.11, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không ở biển Hoa Đông (ECSADIZ) và lập tức triển khai chiến đấu cơ tuần tra khu vực mới. Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân khẳng định việc thành lập ECSADIZ nhằm “bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh trên không và duy trì trật tự bay”.
Động thái 'nguy hiểm'
Đáng chú ý là ECSADIZ bao gồm vùng trời trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa Nhật với Trung Quốc và chồng lấn với Vùng nhận dạng phòng không của Tokyo ở biển Hoa Đông.
Theo Kyodo News, Bộ Ngoại giao Nhật đã cực lực phản đối, gọi động thái trên của Bắc Kinh là “cực kỳ nguy hiểm” và “có thể gây ra những sự việc không thể lường trước được”.
Trước đó vài ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cảnh báo Nhật rằng bất kỳ nỗ lực bắn hạ máy bay không người lái của Trung Quốc sẽ khơi mào chiến tranh, theo AFP. Ông Thường đưa ra cảnh báo không lâu sau khi Thủ tướng Shinzo Abe cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật bắn hạ máy bay không người lái nước ngoài phớt lờ cảnh báo và xâm nhập không phận nước này.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn ban hành các quy định nhận dạng máy bay cho ECSADIZ, vốn có hiệu lực ngay từ ngày 23.11. Theo đó, máy bay nước ngoài bay trong ECSADIZ phải báo cáo kế hoạch bay cho Bộ Ngoại giao hoặc Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc và tuân theo chỉ dẫn của cơ quan quản lý ECSADIZ là Bộ Quốc phòng Trung Quốc. Nếu máy bay đó không hợp tác và không theo những quy định trên, các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp phòng vệ khẩn cấp để ứng phó.
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) có vai trò như vành đai phòng thủ được thành lập bên ngoài không phận của một nước để ngăn chặn máy bay khả nghi xâm nhập. Theo đó, máy bay phải tuân theo các phương thức báo cáo và nhận dạng đặc biệt của nước chủ quản. Theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ECSADIZ bao gồm không phận trong khu vực được bao quanh bởi giới hạn ngoài của vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, với 6 điểm lần lượt có tọa độ: 33º11 vĩ bắc và 121º47 kinh đông, 33º11 vĩ bắc và 125º00 kinh đông, 31º00 vĩ bắc và 128º20 kinh đông, 25º38 vĩ bắc và 125º00 kinh đông, 24º45 vĩ bắc và 123º00 kinh đông, 26º44 vĩ bắc và 120º58 kinh đông.
Sẽ mở rộng ADIZ
Theo ông Dương Vũ Quân, kể từ thập niên 1950, đã có hơn 20 quốc gia lập ADIZ. Ngoài Nhật và Trung Quốc, một số nước châu Á - Thái Bình Dương gồm Mỹ, Indonesia, Hàn Quốc và Philippines được cho là đã thành lập ADIZ. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lập thêm ADIZ hay không, ông Dương trả lời rằng việc đó sẽ được tiến hành “vào một thời điểm thích hợp sau khi hoàn tất sự chuẩn bị cần thiết”, theo Tân Hoa xã. Trước đó, tạp chí Kanwa Asian Defence dẫn một số nguồn tin ở Bắc Kinh cho hay quân đội Trung Quốc đang xúc tiến lên kế hoạch lập ADIZ dọc ranh giới vùng đặc quyền kinh tế, tăng cường kiểm soát các vùng biển và không phận ngoại vi.
Văn Khoa
>> Trung Quốc chuẩn bị lập vùng nhận dạng phòng không?
>> Nhật phản đối Trung Quốc lập vùng phòng không ở biển Hoa Đông
>> Trung Quốc ban hành vùng phòng không trên biển Hoa Đông
Bình luận (0)