Trung Quốc luôn rất khó lường

28/06/2015 09:00 GMT+7

Căng sức Việt Nam trên mọi mặt trận để cụ thể hóa tham vọng bá quyền là điều Bắc Kinh luôn nhắm tới.

Căng sức Việt Nam trên mọi mặt trận để cụ thể hóa tham vọng bá quyền là điều Bắc Kinh luôn nhắm tới.

Trung Quốc đang tăng tốc bồi đắp phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa - Ảnh: ReutersTrung Quốc đang tăng tốc bồi đắp phi pháp tại đá Vành Khăn thuộc Trường Sa - Ảnh: Reuters
Mọi chú ý và quan ngại dường như đang chuyển hướng sang đường đi nước bước của giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981), vốn đã quay lại Biển Đông và được Cục Hải sự Trung Quốc cho biết đang tiến hành hoạt động thăm dò dầu khí trong gần hai tháng, từ ngày 25.6 - 20.8. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng VN không nên vì thế mà mất cảnh giác trước hoạt động được cho là gây bất ổn nhất của Trung Quốc hiện nay trên Biển Đông: dự án bồi đắp phi pháp trên quần đảo Trường Sa của VN.
Cảnh báo này càng có cơ sở nếu nhớ lại cách đây đúng một năm, Trung Quốc cũng dùng chiêu bài này để căng sức VN trên toàn Biển Đông: Trong khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng biển Hoàng Sa, Bắc Kinh cũng đồng thời đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo ở Trường Sa, dẫn đến tình hình nghiêm trọng như hiện nay.
Giáo sư Carl Thayer (Đại học New South Wales, Úc) nhận định với Thanh Niên: “Hoạt động bồi đắp, cải tạo đảo của Trung Quốc vẫn là mối quan ngại chính, vì chúng giúp họ ngày càng lấn sâu kiểm soát Biển Đông. Những cơ sở đã hoàn tất tại Trường Sa sẽ là các căn cứ để Trung Quốc kiểm soát các hoạt động tiếp theo tại đây như đánh bắt thủy sản, khai thác dầu và cuối cùng là hoạt động quân sự. Theo thời gian, Bắc Kinh sẽ tạo được “hiện trạng mới” và buộc công luận phải chấp nhận. Cho đến thời điểm này, không ai, kể cả Mỹ, có thể làm gì được để ngăn cản Trung Quốc”.
“Không thể tin Bắc Kinh”
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc thông báo hoàn tất bồi đắp tại Trường Sa không có nghĩa là nước này ngừng tham vọng thôn tính quần đảo.
Xác tín cho quan ngại này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 27.6 tuyên bố việc ngừng khẳng định chủ quyền trên quần đảo Trường Sa sẽ làm họ “xấu hổ trước tiền nhân” và khiến nước này không dám đối mặt với hậu thế. Trong bối cảnh đó, cộng với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương từ Bắc Kinh trên Biển Đông vẫn còn hiệu lực, giới quan sát tiếp tục cảnh báo sự an toàn cho ngư dân VN là điều đáng quan ngại hơn bao giờ hết.
Giáo sư Thayer nói: “Tại các cuộc hội thảo quốc tế, tôi liên tục chất vấn các đại biểu Trung Quốc là liệu rằng các ông sẽ trừng phạt những thuyền trưởng gây ra các hoạt động gây hấn với ngư dân nước khác hay không? Trong bối cảnh Bắc Kinh luôn tuyên bố muốn giải quyết bất đồng trên cơ sở ngoại giao, điều cần làm trước mắt là trừng phạt thích đáng các lực lượng trên biển có hành vi ngược đãi ngư dân. Thế nhưng, Trung Quốc không phải là nước thượng tôn pháp luật về khoản này”.
Chiêu bài “nghĩa vụ quốc tế”
Khi vấp phải chỉ trích liên tục vì những động thái của mình trên Biển Đông, Trung Quốc cũng liên tục cậy nhờ đến luận điểm “nghĩa vụ và trọng trách quốc tế” để biện hộ. Thế nhưng, giới quan sát cảnh báo: Dư luận quốc tế cần hết sức cảnh giác trước chiêu bài truyền thông này của Trung Quốc vốn luôn nhằm để che giấu tham vọng bá quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc nói mình có “nghĩa vụ” áp đặt lệnh đánh bắt cá là để bảo vệ các nguồn tài nguyên và thủy sản trên Biển Đông. Còn giới quan sát cho rằng ngoài việc dừng ngay việc đơn phương áp đặt lệnh cấm phi lý đó, hành động thiết thực nhất Trung Quốc cần làm để minh chứng cho “ý thức bảo vệ môi trường” của họ là ngừng ngay các hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa. Chính những hoạt động này mới là mối nguy rất lớn đối với môi trường và hệ sinh thái Biển Đông.
Trung Quốc cũng cho rằng các hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa là một phần trong thỏa thuận đạt được với UNESCO tại Paris vào năm 1987. Tuy nhiên, chuyên gia Michael Studeman đã nhận định trong một bài phân tích cho Trường Chiến tranh hải quân Mỹ: “LHQ đã không tiên liệu được việc Trung Quốc lợi dụng danh nghĩa khảo sát hải dương để lấn tới trong việc khẳng định cái gọi là chủ quyền của nước này. Cuối năm 1987 và đầu năm 1988, Trung Quốc đã mượn danh nghĩa khảo sát khoa học để tăng cường hiện diện hải quân tại các đảo thuộc Trường Sa...
Đỉnh điểm của mưu đồ này xảy ra vào tháng 3 và tháng 4.1988, khi Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma (của VN - NV)”. Đồng quan điểm, Giáo sư Stein Tønnesson (Đại học Uppsala, Thụy Điển) nhận định với Thanh Niên: “Vào thời điểm 1987 - 1988, Trung Quốc đã lợi dụng thỏa thuận UNESCO như một đòn hiểm để tăng cường hiện diện quân sự tại Trường Sa. Và cho tới giờ, họ vẫn tiếp tục sử dụng chiêu bài ấy”.
Ngoài ra Bắc Kinh còn ngang nhiên tuyên bố sẽ bắt đầu xây dựng các cơ sở để đáp ứng những “nhu cầu phòng thủ quân sự cần thiết” và nhu cầu dân sự, sau khi kết thúc hoạt động bồi đắp, như một phần của những “nghĩa vụ quốc tế” nước này đã cam kết. Giáo sư Thayer cảnh báo: “Trung Quốc rất “ranh ma” trong lĩnh vực này. Bắc Kinh luôn nói rằng các cơ sở trên Biển Đông sẽ được dùng cho mục đích cứu hộ, nhưng hãy nhìn cách họ đối xử với ngư dân VN trong thời gian vừa qua. Tôi cho rằng tất cả những cái được gọi là “nghĩa vụ quốc tế” của Trung Quốc đều được phục vụ cho mục đích cuối cùng là các hoạt động quân sự".
Viễn cảnh cực kỳ nghiêm trọng
Tiến sĩ Zachary Abuza (Mỹ): “Mục tiêu tối thượng của Trung Quốc là quân sự hóa mọi hoạt động tại quần đảo Trường Sa. Nên nhớ là họ luôn có rất nhiều tàu mang danh nghĩa dân sự luôn sẵn sàng được chuyển đổi sang mục đích quân sự bất cứ lúc nào. Câu hỏi lớn nhất tôi đặt ra lúc này là: Điều gì sẽ xảy ra nếu Bắc Kinh tiếp tục lấn tới, kiểm soát Trường Sa và chặn đường viện trợ của VN ra các đảo nhỏ ngoài quần đảo này? Đó là một viễn cảnh cực kỳ nghiêm trọng”.
  
VN cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Giáo sư Carl Thayer (Úc): “VN cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia có quyền lợi liên quan trong khu vực để ngăn Trung Quốc đạt được mưu đồ của mình. Mỹ càng cần phải cứng rắn hơn. Các nước khác cũng cần liên tục bác bỏ mọi tuyên bố nhằm hợp thức hóa cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. Ví dụ, khi Trung Quốc nói các cơ sở trên Trường Sa nhằm phục vụ mục đích tìm kiếm và cứu hộ, các nước liên quan cần chỉ rõ cho công luận quốc tế hiểu: Có trách nhiệm cứu hộ không có nghĩa là có chủ quyền ở vùng biển đó”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.