Trung Quốc mất ít nhất 10 năm để tự xây dựng ngành chip riêng

Thu Thảo
Thu Thảo
30/05/2019 08:20 GMT+7

Một chuyên gia chất bán dẫn Trung Quốc thẳng thắn nhận định vì nền tảng công nghiệp yếu, ngành chip nước này cần hơn một thập niên để bắt kịp những cái tên lớn toàn cầu.

Theo South China Morning Post, ông Jay Huang Jie, đối tác sáng lập Jadestone Capital kiêm cựu giám đốc điều hành Intel ở Trung Quốc, cho hay: “Đây là chuyện cực kỳ thách thức và khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào tích lũy công nghiệp dài hạn. Trung Quốc nên chuẩn bị cho một cuộc đua marathon kéo dài ít nhất một thập niên. Cuộc đua này cũng sẽ gây ra tổn thất trên đường đi”.
Ông Huang phát biểu như trên tại một sự kiện do viện chính sách Our Hong Kong Foundation tổ chức đầu tuần này. Chuyên gia Trung Quốc rời Intel vào năm 2015 để thành lập hãng đầu tư riêng, chuyên tập trung vào ngành chất bán dẫn.
Theo ông Huang, khả năng giới doanh nghiệp đưa sản xuất rời khỏi Trung Quốc vì lo ngại chiến tranh thương mại Mỹ - Trung còn có thể gây thêm áp lực cho Bắc Kinh trong hành trình bắt kịp các nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới. “Chuyện chuỗi cung ứng cao cấp rời khỏi Trung Quốc sau khi thuế quan tăng là đáng lo ngại. Đây không phải là việc xảy ra chỉ sau một đêm nhưng vẫn có khả năng”, ông Huang nói.
Dù Trung Quốc không kém cạnh so với các nước đi đầu trên thế giới về thiết kế chip, nước này vẫn còn khoảng cách 10 năm trong mảng sản xuất mạch tích hợp. Khi nói đến các thiết bị được sử dụng trong xưởng đúc, khoảng cách còn lớn hơn vì các hãng ngoại, trong đó có Applied Materials đến từ Mỹ và ASML đến từ Hà Lan, nắm lợi thế về nguồn cung.
Bắc Kinh đang kêu gọi cả nước tự cung công nghệ chiến lược, đẩy mạnh phát triển sản xuất chip trong bối cảnh bị Mỹ nỗ lực cắt đứt khỏi công nghệ tiên tiến. Các cuộc thảo luận để giải quyết chiến tranh thương mại kéo dài giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kết thúc mà không có thỏa thuận nào trong tháng này. Chưa hết, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cấm Huawei mua công nghệ Mỹ mà không có giấy phép đặc biệt.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhiều lần nhấn mạnh đất nước phải tự lực sản xuất và đổi mới, chống lại các thách thức dài hạn từ Mỹ. “Chỉ khi sở hữu tài sản trí tuệ và công nghệ cốt lõi của riêng mình, chúng ta mới có thể tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh cốt lõi và giành chiến thắng trong đợt cạnh tranh ngày càng gay gắt”, ông Tập nói hồi tuần trước.
Vài năm qua, hãng HiSilicon của Huawei phát triển bộ chip của riêng mình như một kế hoạch dự phòng. Chip này được tính dùng trong smartphone và nhiều sản phẩm mạng. Thiết kế chip cho băng tần cơ sở smartphone của HiSilicon ngang tầm với Qualcomm và về mặt nghiên cứu và sản xuất trong nước, Huawei làm tốt hơn nhiều so với ZTE cũng của Trung Quốc. Tuy vậy, kế hoạch dự phòng có thành công hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.