TNO

Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là để đối phó với Mỹ ?

09/01/2015 08:27 GMT+7

(Tin Nóng) Báo The Hindu (Ấn Độ) ngày 8.1.2015 có bài bình luận cho rằng việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là nằm trong chiến lược răn đe hạt nhân lâu dài để đối phó với Mỹ hơn là chỉ nhằm khai thác dầu khí.

(Tin Nóng) Báo The Hindu (Ấn Độ) ngày 8.1.2015 có bài bình luận cho rằng việc Trung Quốc muốn độc chiếm Biển Đông là nằm trong chiến lược răn đe hạt nhân lâu dài để đối phó với Mỹ hơn là chỉ nhằm khai thác dầu khí.


Trung Quốc đang đẩy mạnh việc thăm dò khai thác dầu khí ở Biển Đông, trong mục tiêu xác lập yêu sách chủ quyền gần hết Biển Đông. Trong ảnh: giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc ngang ngược hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam, tháng 5.2014 - Ảnh: Độc Lập

Theo bài báo này, Trung Quốc đang đẩy mạnh đầu tư khai thác dầu khí ngoài khơi, nhưng chiến lược hạt nhân của nước này đối phó với Mỹ, chứ không phải là nhu cầu về an ninh năng lượng, có thể chiếm vị trí trung tâm trong yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn Biển Đông.

Báo Kinh doanh quốc gia tại Thượng Hải mới đây đưa tin rằng Tập đoàn dầu khí hải dương (CNOOC) đang tăng tốc thăm dò dầu khí, đặc biệt là ở khu vực phía tây Biển Đông. Mục tiêu là nhằm xây dựng một cơ sở khai thác dầu lớn ngoài khơi, có sản lượng đến 10 triệu tấn/năm. Sự tập trung khai thác xa bờ này được đẩy mạnh sau khi sản lượng các mỏ dầu trên đất liền ngày càng giảm sút.

Nhu cầu năng lượng đang gia tăng của Trung Quốc như một nhân tố thúc đẩy yêu sách chủ quyền của nước này ở Biển Đông, và khoét sâu tranh chấp với các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là với Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.

Trung Quốc tuyên bố yêu sách chủ quyền một vùng biển rộng lớn, xác định bởi "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) trải dài hàng trăm km về phía nam và phía đông của đảo Hải Nam, ôm trọn các quần đảo chiến lược Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền với vùng biển này trong lịch sử từ hơn 2.000 năm qua, và hai quần đảo nói trên là bộ phận không tách rời của nó. Nhưng Việt Nam bác bỏ lập luận của Trung Quốc, và chứng minh trên cơ sở hồ sơ bằng văn bản cho thấy Việt Nam đã thiết lập quyền quản lý hai quần đảo này từ thế kỷ thứ 17.

Bắc Kinh và Manila cũng tranh chấp về chủ quyền bãi cạn Scarborough nằm cách Philippines 160 km.

Để thể hiện tuyên bố của mình về hai quần đảo nói trên, ngày 5.1 qua Trung Quốc đã điều động tàu hậu cần Tam Sa 1 mới nhất từ đảo Hải Nam đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.


Tàu tiếp tế Tam Sa 1 của Trung Quốc được cho là sẽ cung cấp hậu cần (lương thực, kể cả phục vụ đổ quân, khí tài...) cho các khu vực Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Chinanews

Phản biện các tranh cãi về nhu cầu năng lượng, một số nhà phân tích cho rằng cách giải thích khác về việc Trung Quốc muốn ôm trọn Biển Đông là phục vụ cho chiến lược lâu dài của Trung Quốc đối phó với Mỹ, dựa trên học thuyết hạt nhân của nước này, chứ không phải là chỉ nhằm chiếm đoạt tài nguyên dầu khí. Việc bảo vệ lực lượng hải quân, đặc biệt là nhóm tàu ngầm hạt nhân có thể giúp Trung Quốc có khả năng tiến hành đòn giáng trả thứ hai và đảm bảo răn đe với Mỹ, dường như có sức thuyết phục hơn trong việc Bắc Kinh muốn ngăn cản đối thủ tiếp cận Biển Đông.

Trung Quốc gần đây chỉ có các tên lửa đạn đạo JL-2 có thể mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (094), tầm bắn 7.350 km. Khả năng thực hiện đòn giáng trả thứ hai của Trung Quốc cũng đang được tăng cường với sự phát triển các tên lửa có tầm bắn xa 11.000 km, sẽ được bố trí trên các tàu ngầm hạt nhân lớp Đường (096), một trang web quân sự của Nga cho biết. Để có khả năng răn đe  đáng tin cậy, những tàu ngầm và vũ khí có tầm bắn liên lục địa này cần phải được bố trí gần bờ biển Trung Quốc được bảo vệ đầy đủ.

Trên tạp chí Diplomat gần đây, chuyên gia Nhật Bản Tetsuo Kotani chỉ ra rằng chính vì nhu cầu bảo vệ lực lượng tàu ngầm hạt nhân quý giá trước một cuộc tấn công tầm gần của Mỹ, đặc biệt là của lực lượng chống tàu ngầm chuyên dụng, khiến Trung Quốc hướng tới việc muốn thống trị Biển Đông. Việc bảo vệ căn cứ tàu ngầm dưới nước tại đảo Hải Nam, với các lớp phòng thủ và yểm trợ trên không, bây giờ là rất quan trọng cho nước này.

 
Tàu Hải quân Việt Nam thường trực xung quanh đảo Song Tử Tây ở quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ vận tải - canh gác, đẩy đuổi các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền và bảo vệ tàu cá Việt Nam đánh bắt ở đây - Ảnh: Mai Thanh Hải


Theo nhiều phân tích, Trung Quốc muốn chiếm lĩnh hầu hết Biển Đông để làm căn cứ bảo vệ cho hạm đội tàu ngầm hạt nhân của nước này tại Hải Nam, tạo lợi thế cho chiến lược giáng trả hạt nhân thứ hai với Mỹ. Trong ảnh là hang ngầm cho tàu ngầm Trung Quốc ra vào, ở đảo Hải Nam - Ảnh: Indiandefense


Trung Quốc đang gần hoàn tất đường băng trên Đá Chữ Thập chiếm đóng trái phép của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa - Ảnh: IHS Jane's

Thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô cũng đã phản ứng tương tự với Mỹ bằng cách thống trị Biển Okhotsk để bảo vệ khả năng giáng trả thứ hai của mình. Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô lúc đó triển khai 100 tàu ngầm, cùng 140 tàu chiến, trong đó có một tàu sân bay hạng nhẹ lớp Kiev, để bảo vệ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, tình trạng hiện nay của Trung Quốc thì khó khăn và gặp nhiều vấn đề hơn Liên Xô. Bởi vì không giống như biển Okhotsk, Biển Đông là một tuyến hàng hải quốc tế rất tấp nập, và là một trong những huyết mạch chính của nền kinh tế và thương mại toàn cầu, rất quan trọng đối với phần còn lại của thế giới. Do vậy Trung Quốc khó mà độc chiếm được Biển Đông.

Anh Sơn

>> Nguy cơ va chạm tàu ngầm trên Biển Đông
>> Giá dầu giảm, tình hình Biển Đông 2015 sẽ bớt nóng ?
>> Hãng tin Bloomberg: Biển Đông là điểm nóng thế giới năm 2015
>> Vụ kiện trọng tài Biển Đông: Yêu cầu tòa quan tâm quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam
>> Sự kiện quốc tế nổi bật 2014: Rơi máy bay, Biển Đông, Ukraine, Ebola, Cuba
>> Cách thức Trung Quốc đánh cắp Biển Đông làm của riêng
>> Mỹ không chấp nhận sự bất đồng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông
>> Vì sao Mỹ sẽ sẵn sàng cho một cuộc chiến ở Biển Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.