Theo South China Morning Post, trước khi Mỹ có siêu máy tính nhanh nhất thế giới năm 2018, Trung Quốc có 5 năm dẫn đầu mảng này. Hiện quốc gia Đông Á đặt mục tiêu để các siêu máy tính Shuguang mới nhất của họ hoạt động nhanh hơn khoảng 50% so với tốc độ của siêu máy tính mà Mỹ đang có. Nếu kế hoạch đi đúng hướng, Đại lục sẽ giành lại được danh hiệu từ Mỹ trong năm nay.
tin liên quan
Mỹ muốn có siêu máy tính mớiNhững thế hệ siêu máy tính Trung Quốc kế tiếp sẽ được chuyển đến Trung tâm thông tin mạng máy tính của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) tại Bắc Kinh để được đánh giá vào danh sách Top 500 máy tính nhanh nhất toàn cầu. Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc chưa bình luận gì về tham vọng giành lại “ngôi vương” siêu máy tính.
Khả năng sản xuất siêu máy tính tối tân là thước đo năng lực kỹ thuật quan trọng cho một quốc gia. Lý do là vì thiết bị này được triển khai cho nhiều nhiệm vụ, từ dự báo thời tiết, mô hình hóa dòng hải lưu cho đến công nghệ năng lượng và mô phỏng vụ nổ hạt nhân. Nhu cầu siêu máy tính cho ứng dụng thương mại cũng tăng nhờ sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI).
Hồi năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký lệnh hành pháp để lập Sáng kiến Điện toán Chiến lược Quốc gia Mỹ (NSCI), thúc đẩy nước này phát triển công nghệ cho các siêu máy tính exascale và tài trợ thêm cho nghiên cứu về điện toán dựa trên bán dẫn. Máy tính exascale đề cập đến máy tính có khả năng tính toán ít nhất một tỉ tỉ phép tính mỗi giây.
|
Mỹ và Trung Quốc thống trị mảng siêu máy tính nhanh nhất hành tinh. Hai nước lần lượt sở hữu 21,8% và 45,4% hệ thống siêu máy tính hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản và Anh lần lượt sở hữu 6,2% và 4%, theo danh sách Top 500 công bố tháng 11.2018. Cuộc đua siêu máy tính cũng được phản ánh trong bất đồng thương mại Mỹ - Trung gần đây, đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng tiến bộ trong lĩnh vực này.
Trung Quốc khởi động chế tạo siêu máy tính không có chất bán dẫn “made in the USA” sau khi chính quyền cựu Tổng thống Obama cấm bán chip Intel, Nvidia và AMD cho siêu máy tính Trung Quốc năm 2015. Một năm sau đó, đất nước châu Á tung siêu máy tính Sunway TaihuLight, sử dụng hệ điều hành Trung Quốc dựa trên Linux và chip “cây nhà lá vườn” Matrix-2000. Tháng 6.2016, Sunway TaihuLight trở thành siêu máy tính nhanh nhất trong danh sách Top 500.
Cao Zhongxiong, giám đốc điều hành nghiên cứu công nghệ mới của Viện Phát triển Trung Quốc, nhận định: “Khả năng xử lý thông tin khổng lồ là nền tảng trí tuệ nhân tạo, internet công nghiệp, 5G và nhiều ngành công nghệ khác. Dù Mỹ là đối thủ cạnh tranh lớn, đã và đang kiềm chế tiến bộ của Trung Quốc song nhu cầu về siêu máy tính lớn buộc Trung Quốc phải giải quyết vấn đề thông qua tiến bộ độc lập”.
Cụ thể, Trung Quốc chi tiền để nâng cấp ba cơ sở hiện tại lên các siêu máy tính exascale mới nhất trong ba năm tới. Phòng Thí nghiệm Khoa học và Công nghệ biển Quốc gia Qingdao, Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia thiên Tân và Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thâm Quyến dự kiến hoàn tất nâng cấp lên siêu máy tính exascale vào năm 2022. Trung Quốc còn có bốn trung tâm siêu máy tính quốc gia khác, trong đó có trung tâm tọa lạc tại Vô Tích, tỉnh Giang Tô và Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông.
Dù Mỹ từng thống trị top siêu máy tính quốc tế nhiều năm, Trung Quốc giữ vị trí thứ nhất trong danh sách Top 500 toàn cầu kể từ khi tung Tianhe-2 năm 2013. Tianhe-2 được xây dựng bởi Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc. Nước này giữ được ngôi đầu đến năm 2017, song năm 2018 thì lại bị siêu máy tính US Summit do Bộ Năng lượng Mỹ vận hành soán ngôi.
Bình luận (0)