Trung Quốc muốn tăng cường máy bay chiến lược tầm xa

08/07/2015 15:34 GMT+7

(TNO) Trung Quốc cho biết nước này cần máy bay chiến lược tầm xa nhằm tăng khả năng tấn công đối phương trên biển trong trường hợp có xung đột, hãng tin AFP cho biết.

(TNO) Trung Quốc cho biết nước này cần máy bay chiến lược tầm xa nhằm tăng khả năng tấn công đối phương trên biển trong trường hợp có xung đột, hãng tin AFP cho biết.

Một máy bay ném bom chiến lược H-6 của Trung Quốc - Ảnh: AFP
Trong cuộc họp quân sự gần đây, quan chức Trung Quốc xác định không quân là một "lực lượng chiến lược", AFP ngày 7.7 dẫn thông tin từ chuyên san quốc phòng Kanwa Defense Review.
Cuộc họp cũng nhất trí rằng cần thiết tăng cường máy bay ném bom chiến lược tầm xa nhằm đáp ứng khả năng tấn công xa hơn nữa ở khu vực Thái Bình Dương. Cụ thể, theo Kanwa Defense Review, các máy bay này phải tấn công được các mục tiêu ở "chuỗi đảo thứ hai".
Tờ China Daily (Trung Quốc) dẫn tin từ chuyên san công nghệ quốc phòng Trung Quốc Aerospace Knowledge cho rằng Trung Quốc cần một loại máy bay ném bom tầm xa tàng hình, theo AFP. "Một máy bay ném bom tầm trung không thể sửa chữa những thiếu sót cơ bản trong lực lượng không quân của quân đội Trung Quốc về khả năng tấn công và răn đe chiến lược. Vì vậy, không quân rất cần một máy bay ném bom chiến lược liên lục địa có khả năng thâm nhập hệ thống phòng không của đối phương", AFP trích loạt bài nhận xét.
Quân đội Trung Quốc định nghĩa một máy bay ném bom chiến lược tầm xa phải có khả năng chở hơn 10 tấn vũ khí không đối đất, tấn công với phạm vi bay tối thiểu 8.000 km không cần tiếp nhiên liệu, AFP dẫn tin từ China Daily.
Trong khi đó, "chuỗi đảo thứ hai" được nhắc tới được hiểu là những hòn đảo nằm xa hơn về phía đông của Thái Bình Dương bao gồm các quần đảo Mariana, Caroline, vùng Guam nơi có căn cứ không quân Andersen của Mỹ, theo AFP. "Chuỗi đảo đầu tiên" là một vòng cung kéo dài từ Nhật Bản tới Đài Loan, trong đó bao gồm nhiều căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
Tuy vậy, chi tiết về chuỗi đảo như trên chưa bao giờ có định nghĩa chính thức, theo hãng tin Sputnik (Nga).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.