“Sách lược của Trung Quốc “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” xem như đã khép lại.
“Sách lược của Trung Quốc “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” xem như đã khép lại.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm - Ảnh: Tân Phú
Trung Quốc đang lộ rõ tham vọng khống chế có hiệu lực trên Biển Đông, đồng thời rắp tâm “răn đe vũ lực” có mức độ đối với các nước lên tiếng phản ứng”.
Đó là nhận định của Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân (Bộ Quốc phòng), đương kim Chủ tịch Hội Khoa học - kỹ thuật và kinh tế Biển TP.HCM, trước hàng loạt hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, mà gần đây nhất là kế hoạch đưa tàu tuần tra Hải cảnh 3901 “khổng lồ” xuống Biển Đông…
Rắp tâm thực hiện chiến lược “bắc đình nam tiến”, Trung Quốc đang dần khuếch trương thế lực “hạm đội đại dương” hay còn gọi là “hải quân biển xanh” để khống chế đại dương, tăng cường sức mạnh răn đe (uy hiếp) trên biển lớn
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm
* Những ngày vừa qua, giới quan sát xôn xao tàu hải cảnh 'khủng' của Trung Quốc ở Biển Đông. Chuẩn đô đốc có nhận định thế nào trước tình hình này?
- Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm: Đây là một hành động cực kỳ nguy hiểm, đầy toan tính của Trung Quốc, đe dọa đến chủ quyền của nhiều nước có liên quan và đối với hòa bình, sự ổn định trên Biển Đông. Xét về quy mô, tàu Hải cảnh 3901 sẽ là tàu tuần tra lớn nhất thế giới khi được đưa vào hoạt động, vượt xa kỷ lục do tàu 6.500 tấn của Lực lượng tuần duyên Nhật Bản lập trước đó.
Chiếc tàu có độ choán nước 12.000 tấn, chạy với vận tốc tối đa 46,3 km/giờ, được trang bị một hạm pháo siêu tốc 76 mm, 2 pháo hỗ trợ và 2 pháo phòng không. Tàu còn có bãi đáp trực thăng có thể phục vụ trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Nó được ví là “quái thú” trên biển, sẽ là mối đe dọa, một thách thức lớn đối với tàu hải quân của các nước hiện diện ở khu vực vì tàu tuần tra không buộc phải tuân theo Bộ quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) mà 21 nước, trong đó có Việt Nam, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đã ký tham gia hồi năm 2014. Như các chuyên gia cũng đã lên tiếng cảnh báo, Hải cảnh 3901 có thể cũng sẽ là công cụ cưỡng ép nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
* Năm 2014, Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN. Mới đây, lại còn ngang nhiên điều máy bay đến đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), tàu hải cảnh vào khu vực nằm sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Malaysia… Phải chăng Bắc Kinh đang đẩy mạnh thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”?
Trạm hải đăng ở đảo An Bang - Ảnh: Trung Hiếu
- Có thể nói với hàng loạt hành động phi pháp, Trung Quốc đang đi những “bước đi then chốt, ngày càng trỗi dậy tham vọng “hải quân biển xanh” trong chiến lược biển và lực lượng trên biển để thực hiện mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà”. Mưu đồ này của Trung Quốc đã rất rõ ràng rồi, chứ không còn “ngập ngừng” như trước nữa.
Trung Quốc lấy “rồng” làm biểu tượng, mà để cho “rồng” sống, chỉ có cách là phải đi về “đại hải” phía đông. Nhưng điều đó sẽ không có gì để nói khi tham vọng “hải quân biển xanh” trỗi dậy không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước, không đe dọa đến an ninh, hòa bình khu vực và thế giới
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm
Hơn 10 năm trước, các học giả Trung Quốc khởi xướng chiến lược biển và lực lượng trên biển với nhiều tham vọng. Quan sát kỹ từng “bước đi” của Trung Quốc, chúng ta thấy rõ hạt nhân “chiến lược biển Trung Quốc” đã thật sự trỗi dậy tham vọng tiến vào không gian biển lớn, mà hiện nay cũng đã bất chấp luật pháp quốc tế để độc chiếm, khống chế vùng Biển Đông, bắt đầu từ kế hoạch đầy nguy hiểm, đe dọa đối với các nước trong khu vực, hoạt động hàng hải và hàng không quốc tế trên Biển Đông - bồi đắp phi pháp, biến các đảo nhân tạo thành những “tàu sân bay không chìm khổng lồ” án ngữ giữa Biển Đông.
* Chuẩn đô đốc có thể phân tích kỹ hơn “chiến lược biển Trung Quốc” với mưu đồ của Bắc Kinh độc chiếm Biển Đông?
- Bây giờ chúng ta dễ dàng nhận thấy rõ mưu đồ “chiến lược biển của Trung Quốc” với 2 tầng ý nghĩa.
Thứ nhất, cứng rắn vận dụng những thủ đoạn về chính trị, quân sự (không nhất thiết phải tiến hành chiến tranh) để ngang ngược giành quyền làm chủ các vùng biển với các nước có chung vùng biển tranh chấp, cuối cùng đạt được quyền khống chế thật sự vùng biển tranh chấp đó.
Thứ hai, cứng rắn thực hiện quyền bảo vệ, chi viện các thương thuyền Trung Quốc tự do “diễu võ dương oai” trên vùng biển tranh chấp, cũng như chiếm trọn quyền được thăm dò và khai thác tài nguyên trên vùng biển tranh chấp.
“Không gian chiến lược” đầy tham vọng của Trung Quốc đáp ứng được các đòi hỏi về tài nguyên cho sự trỗi dậy của đất nước Trung Hoa, có thể cung ứng đầy đủ các nhu cầu của bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, nếu nó xảy ra trên phạm vi toàn đại lục hoặc một vùng nào đó mà Trung Quốc ủng hộ, hoặc có chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc. “Không gian chiến lược” đó của Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ, thậm chí có tính toàn cầu. Và để thực hiện được những mục tiêu chiến lược đã hoạch định của mình, Trung Quốc cũng đang có “những bước đi then chốt” để giành được quyền khống chế “không gian chiến lược” tương ứng.
Những năm trước đây Hải quân Trung Quốc trên “tuyến biển đảo” (phía bắc bắt đầu từ bán đảo Triều Tiên, phía nam đến eo biển Malacca, bao quát toàn bộ các đường hàng hải từ phía nam đến bắc Thái Bình Dương) trong thời bình cái yếu nhất là “thế”, không thể bảo vệ hiệu quả lực lượng vận tải biển xa bờ. Hay nói một cách khác là tiềm lực không đủ mạnh để bảo vệ được tham vọng của Trung Quốc trên đại dương, mất đi quyền làm chủ trên biển, thậm chí rơi vào tình trạng “có đi mà không có về”.
Đứng trên quan điểm chiến thuật mà xét, chiến trường của Trung Quốc thuộc các tuyến phía tây đều là lục địa. Mà một lục quân có truyền thống tác chiến trên đất liền như quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, thì nếu đánh một trận lớn trên đại lục, Trung Quốc có khả năng giành thắng lợi dễ hơn đánh một trận gồm hải quân, không quân hiện đại trên biển đảo. Để thoát khỏi tình trạng chênh lệch tương quan lực lượng giữa vùng đại lục và biển đảo đó, Trung Quốc đã nhanh chóng đột phá chiếm quyền khống chế “tuyến biển đảo” trong những năm gần đây nhất.
Trong quá trình bành trướng thế lực, Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa và một số bãi đá ngầm ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam... Hành động phi pháp cải tạo các đảo, xây dựng đảo nhân tạo, đường băng, hải đăng, cảng biển…, mà Trung Quốc rêu rao là phục vụ nghiên cứu khoa học, hoạt động dân sự…, chỉ là ngụy biện. Hành động phi pháp này, điểm cốt lõi là đột phá “vòng vây biển đảo” ở hướng đông nam, đặng đưa Hải quân Trung Quốc tiến ra đại dương, khắc phục được tình trạng “có đi mà không có về”.
Như vậy, sách lược của Trung Quốc “gác lại tranh chấp, cùng nhau phát triển” xem như đã khép lại. Trung Quốc đang lộ rõ tham vọng khống chế có hiệu lực trên Biển Đông, đồng thời rắp tâm “răn đe vũ lực” có mức độ đối với các nước lên tiếng phản ứng bằng chiến lược “bắc đình nam tiến”, tiến ra Biển Đông rộng lớn.
Ở vùng biển phía bắc, có thể nói thực lực Hải quân Trung Quốc bây giờ đã duy trì thế quân bình với Hải quân Mỹ, Nhật để giữ trạng thái chiến lược hòa hoãn trong khu vực Bắc Á. Rắp tâm thực hiện chiến lược “bắc đình nam tiến”, Trung Quốc đang dần khuếch trương thế lực “hạm đội đại dương” hay còn gọi là “hải quân biển xanh” để khống chế đại dương, tăng cường sức mạnh răn đe (uy hiếp) trên biển lớn.
Trong những năm trước thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Hải quân Trung Quốc chỉ là loại hải quân đột kích (tấn công trên biển). Nhưng bây giờ và có thể tiếp diễn trong tương lai, chiến lược “bắc đình nam tiến” là hạt nhân của chiến lược biển của Trung Quốc. Tham vọng Hải quân Trung Quốc là tăng cường xây dựng năng lực tác chiến trên không gian biển rộng lớn với đầy đủ các binh lực (hải quân toàn năng). Trung Quốc đang cấu thành, hoàn thiện một lực lượng khống chế trên biển một cách thực sự với các binh lực: tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hiện đại cho đến lực lượng trong vũ trụ, không gian điện từ trường, không gian mạng… Những “tàu sân bay không chìm khổng lồ”, bắt đầu từ đá Chữ Thập (cách đảo Hải Nam - Trung Quốc đến khoảng 1.200 km), cực kỳ nguy hiểm với các nước và trong đó có Việt Nam, trong khi nó có lợi tầm chiến lược cho Trung Quốc, bởi nó sẽ yểm trợ cho tham vọng không quân, hải quân viễn dương của Trung Quốc.
Trung Quốc lấy “rồng” làm biểu tượng, mà để cho “rồng” sống, chỉ có cách là phải đi về “đại hải” phía đông. Nhưng điều đó sẽ không có gì để nói khi tham vọng “hải quân biển xanh” trỗi dậy không làm ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền của các nước, không đe dọa đến an ninh, hòa bình khu vực và thế giới.
Bình luận (0)