Chính quyền Châu Trang bắt đầu phát triển khu vực giáo dục rộng 10 km2 này hồi năm 2002, với ngân sách khoảng 10 tỉ nhân dân tệ. Khu vực giáo dục này đã chấp nhận cho 8 trường đại học nổi tiếng của Trung Quốc đặt cơ sở, trong đó có cả những trường của Thượng Hải và Tây An. Hầu hết những trường mới ở đây đào tạo bậc đại học và sau đại học, tập trung vào các ngành khoa học và kỹ thuật, và đã xây dựng những mối quan hệ hợp tác với các trường đại học ở Anh, Singapore và Hồng Kông.
Tổng số sinh viên ở đây từ 200 người năm 2003 đã tăng lên 12.000 người vào mùa hè này. Con số này dự kiến sẽ tăng hơn 20.000 người trong thời gian tới. Một trường báo chí của Mỹ và một trường điện ảnh hàng đầu của Trung Quốc cũng chuẩn bị đặt cơ sở tại Châu Trang. Phần lớn sinh viên ở đây xuất thân từ những gia đình khá giả miền duyên hải, nên mới có thể kham nổi mức học phí từ 10.000 đến 20.000 nhân dân tệ/năm.
Ngay bên cạnh Thành phố giáo dục Châu Trang là một khu công nghiệp với khoảng 2.000 công ty nước ngoài từ châu u, Mỹ, Nhật và nhiều nước khác. Những công ty này đang chờ đến thời điểm họ có thể tuyển chọn nhân viên từ số sinh viên được đào tạo ở đây.
Trong khi đó, một trường đại học đã được xây dựng ở thành phố cảng Ningbo là kết quả liên kết giữa Đại học Nottingham Anh với một công ty tư nhân của Chiết Giang. Trường mở cửa hồi tháng 9.2004, và hoạt động theo mô hình của Đại học Nottingham. Tất cả bài giảng đều bằng tiếng Anh, giáo viên do Đại học Nottingham cử sang. Bằng cấp, học vị của trường có giá trị tương đương với những trường đại học ở Anh. Mặc dù học phí rất cao (50.000 nhân dân tệ/năm), nhưng vẫn có khoảng 1.000 sinh viên đăng ký theo học.
Đó chỉ là một trong những thí dụ điển hình về những kế hoạch phát triển các cơ sở giáo dục ở Trung Quốc trong thời gian qua, với mong muốn thực hiện "giấc mơ đào tạo người đoạt giải Nobel". Trung Quốc đã trở thành một trong những đất nước có nhiều trường đại học nhất trên thế giới, với 23 triệu sinh viên. Thế nhưng theo báo chí Trung Quốc, việc phát triển rầm rộ này cũng có những mặt trái của nó. Nhiều gia đình ở vùng nông thôn đã phải chạy vạy số tiền gấp 35 lần thu nhập hằng năm của họ để cho con vào đại học, thế nhưng do số lượng sinh viên ngày càng tăng, nên số người thất nghiệp, không tìm được việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp cũng tăng theo. Nghiêm trọng hơn, phía sau việc xây dựng hàng loạt cơ sở trường lớp mới, là những khoản nợ khổng lồ: từ 150 đến 200 tỉ nợ trong ngân hàng là những khoản vay để xây dựng các trường đại học. Thế mà một số trường đại học lại không theo kịp với số lượng sinh viên ngày càng tăng do thiếu đội ngũ quản lý và phương tiện giảng dạy, nghiên cứu. Hậu quả là chất lượng giáo dục đi xuống. Ông Yang Dongping, giáo sư Học viện Kỹ thuật Bắc Kinh, một chuyên gia của lãnh vực giáo dục bậc cao đã lên tiếng cảnh báo: "Hệ thống giáo dục của chúng ta cần phải cải thiện về chất lượng hơn là kích thước".
H.V
(Theo asahi.com)
Bình luận (0)