Trung Quốc nói gì về nghi vấn xây trạm do thám trên đảo gần Ấn Độ?

11/04/2023 16:24 GMT+7

Các nhà phân tích cho rằng chỉ Trung Quốc mới có nguồn lực và động cơ để xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên cụm đảo thuộc Myanmar nhưng nằm cạnh lãnh thổ Ấn Độ ở vịnh Bengal.

Trung Quốc nói gì về nghi vấn xây trạm do thám trên đảo gần Ấn Độ? - Ảnh 1.

Đường băng trên đảo Coco Lớn thuộc cụm đảo Coco của Myanmar

GOOGLE EARTH

Tháng trước, tổ chức nghiên cứu Chatham House có trụ sở tại London công bố báo cáo đánh giá các hình ảnh vệ tinh mới về cụm đảo Coco của Myanmar. Cụm đảo này tọa lạc ở khu vực có vai trò quan trọng về chiến lược ở vịnh Bengal, cách quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ chỉ 55 km về phía bắc.

Hình ảnh cho thấy cụm đảo của Myanmar trong những năm qua đã trải qua "sự thay đổi từ từ, với những dấu hiệu rõ ràng về nỗ lực hiện đại hóa quân sự và các cơ sở hỗ trợ máy bay". Báo cáo đặt vấn đề "có phải Myanmar đang xây dựng một căn cứ do thám trên đảo Coco Lớn", đề cập đến tên một hòn đảo thuộc cụm đảo này.

Theo South China Morning Post, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10.4 đã phản pháo báo cáo của Chatham House, cho rằng báo cáo này "hoàn toàn vô nghĩa". Trước đó, người phát ngôn của chính quyền quân sự tại Myanmar tuyên bố cáo buộc rằng Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng trên cụm đảo Coco là vô lý.

Theo báo cáo, việc mở rộng đường băng trên đảo Coco Lớn trong thập niên vừa qua là một trong những thay đổi dễ thấy nhất. Hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies của Mỹ chụp hồi tháng 1 cũng cho thấy các nhà chứa máy bay mới, một trạm radar và một bến tàu lớn, trong khi một con đường đắp cao dường như đang được xây dựng ở phần phía nam của đảo Coco Lớn, nơi có 1.500 người sinh sống.

Swaran Singh, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học British Columbia ở Vancouver (Canada), nhận định Myanmar không có động lực cũng như khả năng tài chính hoặc kỹ thuật để triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trên cụm đảo Coco nhằm giám sát các hoạt động của Ấn Độ. Ông cũng cho rằng các đối tác lớn khác của Myanmar như Nhật Bản hay ASEAN cũng không có ý định giám sát Ấn Độ từ cụm đảo Coco, vì họ có quan hệ thân thiết với New Delhi.

"Trung Quốc chắc chắn là đối tượng tình nghi hiển nhiên vì họ có cả ý định và phương tiện, và trên hết, họ đã giành được quyền tiếp cận cụm đảo Coco trong 30 năm qua", ông Singh nói với South China Morning Post.

Theo vị chuyên gia, mục đích của Trung Quốc trong việc nâng cấp hạ tầng quân sự trên các hòn đảo của Myanmar có thể là giám sát lực lượng lục quân, hải quân và không quân của Ấn Độ, bao gồm các địa điểm thử nghiệm tên lửa chủ chốt.

Quần đảo Andaman và Nicobar là nơi đặt quân khu ba binh chủng đầu tiên và duy nhất của lực lượng vũ trang Ấn Độ, được thành lập vào khoảng năm 2001. Quần đảo trải dài khoảng 750 km trong vịnh Bengal, mang lại cho New Delhi quyền kiểm sát các tuyến đường biển quan trọng kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua eo biển Malacca.

Các chuyên gia cho rằng việc nâng cấp cơ sở hạ tầng trên cụm đảo Coco, dù do Trung Quốc hay Myanmar tiến hành, đều khiến Ấn Độ quan ngại vì vị trí chiến lược của quần đảo Andaman và Nicobar. Nếu đúng là Bắc Kinh đứng sau, đây có thể là mối đe dọa an ninh đối với New Delhi.

Trung Quốc đã tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương trong những năm gần đây, với việc các công ty Trung Quốc nắm quyền kiểm soát các cảng thương mại ở Sri Lanka và Pakistan, cũng như việc Bắc Kinh xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở hải ngoại tại Djibouti thuộc châu Phi vào năm 2016.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.